TỔNG QUAN VỀ GIÁO HẠT CAN LỘC

– Năm thành lập: Ngày 19/08/1998, Tòa Giám Mục Xã Đoài đã quyết định thành lập giáo hạt Can Lộc. 
– Địa giới: Giáo hạt Can Lộc nằm trên địa bàn hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân. Phía Bắc tiếp giáp với sông Lam thơ mộng, bên kia dòng sông Lam là thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An, phía nam là thành phố Hà Tĩnh, tiếp giáp với hạt Văn Hạnh, phía Tây là hạt Nghĩa Yên và vùng biên giới Việt – Lào và phía Đông là dãy Hồng Lĩnh với 99 ngọn núi hùng vĩ.
– Trụ sở: tại giáo xứ  Tân Vĩnh
– Địa chỉ:  Thị trấn Nghèn, Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
– Có 09 giáo xứ, bao gồm: Tân Vĩnh, Hòa Mỹ, Kim Lâm, Phương Mỹ, Tam Đa, Tân Sơn, Tân Thành, Trại Lê, Tràng Đình.
– Tổng số giáo họ: 30
– Số linh mục: 9
– Tổng số giáo dân: 25.351
– Các sở dòng: Cộng đoàn Phaolô Can Lộc, Nhóm MTG (Yên Mỹ, Kim Lâm, Hòa Mỹ),  CĐ Thừa sai Bác Ái, CĐ Đa Minh Thánh Tâm

VIDEO - HÌNH ẢNH

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN VĨNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 23/2/2017
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Tân Lập
– Địa chỉ:Thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Hoàng Biên Cương
– Các giáo họ: Tân Lập, Vĩnh Lộc
– Tổng số giáo dân hiện nay: 3.300
– Các sở dòng: Cộng đoàn Phaolô Can Lộc.

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tân Vĩnh nằm trên địa bàn thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập vào ngày 23/2/2017. Và đến ngày 07/8/2019, giáo xứ giàu truyền thống ơn gọi dâng hiến này được chọn làm sở hạt của giáo hạt Can Lộc do cha Phêrô Hoàng Biên Cương coi sóc. Tân Vĩnh hiện có hai Giáo họ: Tân Lập và Vĩnh Lộc.

Lịch sử hình thành và phát triển của Giáo xứ Tân Vĩnh như được hút nhựa sống từ cội rễ ân đức của các Bậc Tiền Nhân. Sức sống của cộng đoàn nơi đây được thấm đẫm bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những chứng nhân anh dũng. Gia sản truyền thống mà giáo xứ được kế thừa là đức tin kiên vững, lòng nhiệt huyết, tình yêu mến Thiên Chúa và Giáo Hội của bao thế hệ cha ông đã dám sống chứng tá Tin Mừng giữa bao biến thiên thời cuộc. Đời sống Đức tin của cộng đoàn giáo xứ không ngừng đi lên từng ngày: Tổng số nhân danh của giáo xứ hiện tại là 3.300 các hội đoàn lớn mạnh với nhiều hoạt động mục vụ ý nghĩa… Tất cả làm nên một bức tranh xứ đạo vừa sinh động, vừa sầm uất với nhiều nét hiện đại và tươi mới.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ HÒA MỸ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 20/06/2005
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Mỹ Hòa
– Địa chỉ: Xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Trần Văn Phúc
– Các giáo họ: Hòa Mỹ (họ trị sở), Thịnh Lạc, Văn Định, Mỹ Thủy, Đồng Nghĩa
– Tổng số giáo dân: 3.950  tín hữu
– Các sở dòng: Nhóm MTG Hòa Mỹ

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trước đây, Hòa Mỹ là một giáo xứ thuộc giáo xứ Trại Lê với tên gọi là Mỹ Hòa. Năm 2005, nhận thấy số giáo dân ngày một đông, nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Tòa Giám Mục Giáo phận Vinh đã tách Trại Lê thành hai giáo xứ: Trại Lê và Hòa Mỹ. Hiện nay, giáo xứ Hòa Mỹ hợp bởi 5 giáo họ: Hòa Mỹ (họ trị sở), Thịnh Lạc, Văn Định, Mỹ Thủy, Đồng Nghĩa.

Sau khi về nhận nhiệm sở, nhận thấy ngôi thánh đường đã xuống cấp bởi thời gian và trở nên nhỏ bé so với số giáo dân không ngừng gia tăng, cha Phêrô Nguyễn Xuân Đình cùng với giáo dân nơi đây đã khởi công xây dựng nhà thờ mới bên cạnh nhà thờ cũ. Ngoài việc chăm lo đời sống đạo của giáo dân, ngài còn chú trọng kiến thiết các công trình phúc lợi, thăng tiến đời sống kinh tế cũng như tinh thần của giáo dân.

Những năm gần đây, số lượng giáo dân Hòa Mỹ không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2006, số giáo dân đến năm 2022 số dân đã lên tới  3.908 tín hữu.Giáo dân Hòa Mỹ định cư trên địa bàn xã Xuân Lộc, thị trấn Nghèn và Tiến Lộc. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề thâm canh lúa nước, một số khác buôn bán nhỏ lẻ và lao động tại nước ngoài.

Kế thừa những thành quả tốt đẹp từ xứ mẹ Trại Lê, giáo dân Hòa Mỹ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết yêu thương, tương thân tương ái, nhờ đó mà các sinh hoạt của giáo xứ luôn có tính sáng tạo và không ngừng lớn mạnh. Các ban ngành, đoàn thể luôn sát cánh cùng cha xứ trong việc quản trị, góp phần nâng cao cuộc sống mưu sinh cũng như đời sống đạo.

Tinh thần hiếu học nơi giới trẻ luôn được chú trọng nên trong những năm gần đây số lượng học sinh, sinh viên ngày càng đông. Bên cạnh đó, giáo xứ luôn biết chăm lo, nâng đỡ mầm non ơn gọi dâng hiến nên đã có một số người con dấn thân trên cánh đồng truyền giáo. Những hoa quả thơm lành trong vườn hoa giáo phận đang chớm nở và hy vọng sẽ đơm bông kết hạt, mở ra một tương lai tràn đầy niềm tin.

Trong thời đại mới, giáo xứ Hòa Mỹ đang trở về với cội nguồn để kín múc sức mạnh của tổ tiên nhằm chấn hưng hiện tại và hướng đến tương lai. Với đức tin vững mạnh và tinh thần đoàn kết hiệp nhất, Hòa Mỹ đang mở ra nhiều dự phóng tốt lành và gặt hái những thành quả tốt đẹp.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ KIM LÂM

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1927, tách từ giáo xứ Tràng Đình
– Quan thầy: Thánh Gioan Kim
– Địa giới: Giáo xứ Kim Lâm nằm trên địa bàn thị trấn Nghèn và xã Vượng Lộc, chạy dọc quốc lộ 1A, nhà thờ xứ tọa lạc tại xóm 10, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
– Trụ sở: Giáo họ Kim Lâm
– Địa chỉ: Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Nguyễn Huy Tuấn
– Các giáo họ: Kim Lâm, Vạn Thọ
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.951
– Các sở dòng: Nhóm MTG Kim Lâm

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Kim Lâm là một xứ đạo có truyền thống lâu đời. Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số giáo dân làm nghề đánh cá đã quy tụ để kinh nguyện sớm tối bên nhau và lấy tên là xóm Cự Lâm, thuộc Thổ Phượng. Bên cạnh xóm đạo, có một số giáo dân Trại Lê và lân cận cũng đến hành nghề đánh bắt, hình thành xóm đạo mới gọi là Kim Loan.

Ngày thành lập xứ Tràng Đình, hai xóm đạo Cự Lâm và Kim Loan trở thành giáo họ của xứ đạo này. Đến năm 1927, Tòa Giám Mục Xã Đoài đã cho thành lập xứ đạo Kim Lâm trên cơ sở hai giáo họ Kim Loan, Cự Lâm với 320 nhân danh.

Năm 1950, giáo xứ khánh thành nhà thờ, kích thước rộng 8m dài 25m. Năm 1956, ngôi nhà thờ này sụp đổ do bão lũ và được giáo dân tu sửa lại nguyên trạng, phục vụ cho việc dâng lễ và kinh nguyện sớm tối. Năm 2001, nhận thấy tình hình xuống cấp, cha quản xứ Phêrô Nguyễn Thái Từ và giáo dân đã đồng tâm nhất trí xây dựng nhà thờ mới trong sự tin tưởng.

Kim Lâm là xứ đạo được thừa kế những di sản đức tin phong phú, mọi sinh hoạt trong giáo xứ luôn diễn ra sống động. Các hội đoàn: Gia Đình Thánh Tâm, Con Đức Mẹ, Nhóm Ơn Gọi và Giới Trẻ trong xứ đang hăng say làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa ngay giữa môi trường sống của mình.

Về hoạt động bác ái tông đồ, Kim Lâm là giáo xứ năng động và có nhiều sáng kiến mục vụ. Ngày nay Giáo xứ ngày một lớn mạnh và hoàn thiện hơn. Hằng năm, giáo xứ thường tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, trao quà cho bệnh nhân, người già neo đơn, người gặp khó khăn, hoạn nạn…

Bên cạnh đó, công tác giáo dục giới trẻ luôn được coi trọng. Vì thế, tinh thần học tập của giới trẻ được nâng cao cả về kiến thức giáo lý lẫn văn hóa. Phát huy truyền thống đạo hạnh, Kim Lâm đã đóng góp cho Giáo Hội 10 người con làm linh mục, 3 chủng sinh và nhiều tu sỹ. Ngoài ra, Kim Lâm còn có 10 giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, 3 thầy thuốc, 57 sinh viên, 45 bạn trẻ vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, 3 học viên trên đại học, 67 người đang lao động và học tập ở nước ngoài.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Kế thừa truyền thống của các tiền nhân, giáo xứ Kim Lâm đang đổi thay từng ngày và hứa hẹn nhiều dự phóng tốt lành trong tin yêu và hy vọng. Hiện nay, giáo xứ Kim Lâm có 1.951 giáo dân (báo cáo tất niên 2023), gồm có 2 họ: Kim Lâm và Vạn Thọ. Linh mục quản xứ là cha GB. Nguyễn Huy Tuấn.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ PHƯƠNG MỸ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 24/02/2007
– Quan thầy: Thánh Augustinô
– Địa giới: Giáo xứ Phương Mỹ, hạt Can Lộc thuộc xóm Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cách Tòa Giám Mục Gp. Hà Tĩnh khoảng 35 km
– Trụ sở: Giáo họ Phương Mỹ
– Địa chỉ: Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Lê Bá Phượng
– Các giáo họ: Phương Mỹ
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.496
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hoàn cảnh xã hội và vị trí địa lý có lẽ là yếu tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của một giáo xứ. Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, một nhóm người đến vùng Phương Mỹ định cư lập nghiệp và dần đi vào ổn định, số giáo dân này đã quyết định xin thành lập giáo họ, lấy tên là Phương Mỹ (thuộc giáo xứ Trại Lê).

Do những biến động của thời cuộc, giáo dân Phương Mỹ đã nhiều lần phải di dời địa điểm thờ phượng. Từ năm 1968 về sau, giáo họ phải di chuyển và tu sửa nhà thờ đến 5 lần. Hiện tại là ngôi nhà thờ thứ 5 đang được sử dụng trên vùng đồi, cách trung tâm giáo hạt Can Lộc khoảng 25 km về phía Nam, cạnh đường 15 A đoạn Đồng Lộc – Hương Khê.

Ngày 20/6//2005, Giáo phận Vinh quyết định tách 5 giáo họ của Giáo xứ Trại Lê để thành lập Giáo xứ mới – Hòa Mỹ. Cùng với quyết định này, Giáo họ Phương Mỹ (cách xứ mẹ Trại Lê khoảng 10km) cũng được tách thành một Giáo họ độc lập, để tiến tới việc thành lập giáo xứ trong tương lai.

Ngày 20/01/2007 đã trở thành một ngày trọng đại của bà con giáo dân Phương Mỹ khi Tòa Giám mục giáo phận Vinh chính thức chuẩn nhận việc thành lập giáo xứ Phương Mỹ, số giáo dân ngày thành lập là 1.150 nhân danh. Cùng với quyết định thành lập giáo xứ, Đức giám mục giáo phận Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cũng đã bổ nhiệm cha G.B Cao Xuân Hành làm linh mục quản xứ. Như vậy, cha G.B trở thành linh mục quản xứ tiên khởi của giáo xứ Phương Mỹ.

Tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu và đau ốm bệnh tật, chỉ sau 02 tháng quản xứ, cha G.B đã được nghỉ hưu tại giáo xứ. Trong khoảng thời gian gần hai năm từ tháng 4 năm 2007 đến cuối năm 2008, giáo xứ không có linh mục quản xứ mà được kiêm nhiệm bởi linh mục của Giáo xứ mẹ Trại Lê.

Cuối năm 2008, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên quyết định bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Minh Đức nguyên quản xứ Dũ Thành làm quản xứ Phương Mỹ. Thời gian chưa đầy một năm sau đó, cha Giuse Phạm Minh Đức phát hiện bạo bệnh và sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, ngài đã được Chúa thương gọi về vào ngày 22 tháng 9 năm 2009 (sau vỏn vẹn 10 tháng quản xứ). Hiện tại, phần mộ của cố linh mục Giuse đang nằm trên phần đất của giáo xứ.

Sau sự ra đi của cha Giuse, một lần nữa giáo xứ lại rơi vào cảnh đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt trong hơn một năm. Trong khoảng thời gian từ khi cha Giuse mất (tháng 9 năm 2009) cho đến tháng 8 năm 2010, giáo xứ được kiêm nhiệm bởi linh mục Giuse Trần Đức Mai, lúc bấy giờ đang làm quản xứ Trại Lê.

Tháng 7 năm 2010, cha Giuse Trần Đức Mai được thuyên chuyển về giáo xứ Thanh Dạ (Giáo phận Vinh) theo quyết định số 05/QĐ-TGM ngày 27 tháng 7 năm 2010[1] của Tòa giám mục Xã Đoài. Cùng với đó, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã quyết định bổ nhiệm tân linh mục Phaolô Đậu Tiến Sỹ làm linh mục quản xứ Phương Mỹ.

Sau khi cha Phaolô Đậu Tiến Sỹ về coi sóc, giáo xứ đã có những thay đổi đáng kể. Với sự nhiệt huyết của một tân linh mục, cha Phaolô đã cùng với bà con giáo dân tích cực trong việc xây dựng giáo xứ. Đời sống đức tin của giáo dân ngày càng được thăng tiến. Việc học giáo lý được cha Phaolô chú trọng và quan tâm, nhờ đó, hiểu biết về giáo lý đức tin của thế hệ trẻ được nâng lên. Các hội đoàn lần lượt được thành lập và củng cố tạo nên một sức sống mới cho các sinh hoạt đức tin. Cùng với đó, cha Phaolô đã cho mở rộng khuôn viên, cải tạo nhiều hạng mục công trình cần thiết. Khuôn viên nhà thờ rộng rãi như hôm nay là nhờ vào công lao to lớn của cha Phaolô cùng sự cộng tác hy sinh của bà con giáo dân. Có thể nói, cha Phaolô đã tạo tiền đề để giáo xứ xây dựng các công trình sau này.

Sau 6 năm 6 tháng chăn dắt đoàn chiên giáo xứ Phương Mỹ, cha Phaolô Đậu Tiến Sỹ đã được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm làm linh mục quản nhiệm chuẩn giáo xứ Đức Vọng (giáo hạt Kẻ Mui) theo Quyết định bổ nhiệm và thuyên chuyển linh mục Giáo phận Vinh số 0217/QĐ-TGM ngày 04 tháng 02 năm 2017 của Tòa giám mục Xã Đoài[2]. Như vậy, Cha Phaolô Đậu Tiến Sỹ là linh mục có thời gian quản xứ dài nhất tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, cũng theo quyết định này, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã bổ nhiệm tân linh mục Antôn Nguyễn Văn Đoàn về coi sóc giáo xứ Phương Mỹ.

Có thể nói giáo xứ Phương Mỹ may mắn khi có được thừa hưởng sự nhiệt thành của các tân linh mục. Từ cha Phaolô cho đến cha Antôn, các Ngài đã nhiệt tâm xây dựng giáo xứ non trẻ này ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt.

Trên cơ sở những nền móng mà cha tiền nhiệm Phaolo đã gầy dựng, sau khi được bổ nhiệm làm linh mục quản xứ Phương Mỹ, cha Antôn Nguyễn Văn Đoàn giúp cho giáo xứ thật sự thay da đổi thịt. Với sự nhiệt huyết của cha Anton, cùng với sự đồng lòng của bà con giáo dân, giáo xứ đã tiến hành tu bổ, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình. Trong khoảng thời gian coi sóc giáo xứ, cha Anton đã cho tu sửa lại nhà thờ, xây dựng tường rào bao quanh khuôn viên, làm cổng chính nhà thờ, làm đài Đức Mẹ Fatima, khởi công đền thánh Antôn và đặc biệt là ngôi Nhà mục vụ khang trang, rộng rãi được dựng lên để phục vụ cho các sinh hoạt của giáo xứ. Những công trình đó, mở ra một Phương Mỹ mới mẻ và đầy sức sống.

Sau khi Tòa thánh quyết định công bố việc thành lập giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ giáo phận Vinh, vấn đề cơ cấu nhân sự có nhiều sự thay đổi. Các linh mục lần lượt được thuyên chuyển về đúng với nguyên quán của mình theo mỗi giáo phận. Ngày 19 tháng 5 năm 2019, cha Antôn Nguyễn Văn Đoàn được thuyển chuyển về giáo phận Vinh và làm linh mục quản xứ tân giáo xứ Thanh Sơn (giáo phận Vinh).

Để đoàn chiên tiếp tục đươc hướng dẫn, coi sóc. Sau khi thuyên chuyển cha Antôn Nguyễn Văn Đoàn về lại giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đã bổ nhiệm cha G.B Lê Bá Phượng làm quản xứ Phương Mỹ. Hiện tại, cha G.B Lê Bá Phượng đang là linh mục quản xứ đương nhiệm.

Hiện nay, Phương Mỹ có 1.517 nhân danh (theo báo cáo tất niên 2023) giáo dân nơi đây luôn đoàn kết yêu thương hiệp nhất với cha quản xứ trong các hoạt động nhằm thăng tiến giáo xứ.

Là giáo xứ non trẻ nhưng Phương Mỹ đã có những sinh hoạt chiều sâu thiêng thánh rất hiệu quả và các hoạt động từ thiện – bác ái, xúc tiến ơn gọi, quan tâm giúp đỡ người nghèo… Giáo xứ cũng hướng đến việc học hỏi giáo lý cho nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, giáo xứ tập chú hơn đến các lớp dự tu trong tương lai để ươm mầm ơn gọi hiến thân trong đời sống tu trì.

Dẫu cho những thăng trầm trong niềm tin và đời sống thực hành đạo, tuy chưa có bề dày lịch sử của một giáo xứ nhưng tiếp bước truyền thống cha anh của xứ mẹ Trại Lê trên hành trình hiến thân, vì thế mà giáo xứ đã làm vọt lên một sức sống mãnh liệt và đóng góp cho Giáo Hội những bông hoa thiêng làm tiền đề cho thế hệ con em tiếp nối trổ sinh.

Ước mong rằng, với vận hội mới, giáo dân Phương Mỹ sẽ vượt qua những khó khăn của thời cuộc để có những bước chuyển mình hướng đến tương lai thật sự hiệu quả. Để đạt được ý nguyện đó, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực canh tân cả trong lẫn ngoài, cùng với đó là sự quan tâm của các linh mục quản xứ, của mọi thành phần dân Chúa, nhất là sự yểm trợ của những người con đang công tác tại nước ngoài, hy vọng giáo xứ sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp, hầu sánh vai cùng các giáo xứ khác trong giáo hạt Can Lộc.

Cập nhật: ngày 16/4/2024

[1] Toà giám mục Xã Đoài, ‘’Quyết định Bổ nhiệm và thuyên chuyển linh mục 2010’’, [http://gpvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=6517]

[2] Văn phòng Tòa giám mục Giáo phận Vinh, ‘’Quyết định bổ nhiệm và thuyên chuyển Linh mục Giáo phận Vinh năm 2017’’, [https://gpvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=13286]

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TAM ĐA

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1937
– Quan thầy: Thánh Tâm Chúa Giêsu
– Địa giới: Là giáo xứ nhỏ nhưng địa bàn hành chính nằm trên hai huyện Can Lộc và Thạch Hà. Người dân thuần túy sống bằng nghề nông nghiệp.
– Trụ sở: Giáo họ Tam Đa
– Địa chỉ: Quang Lộc, Can lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Lưu Ngọc Hùng
– Các giáo họ: Tam Đa, Tân Hưng, Hưng Long, Xuân Yên
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.694
– Các sở dòng: Cộng đoàn Đa Minh Thánh Tâm

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Tam Đa vốn là một họ đạo nhỏ bé của giáo xứ Trại Lê. Năm 1937, giáo xứ Tam Đa được khai sinh với số giáo dân khoảng 737 người, chia thành 4 giáo họ: Tam Đa (trị sở), Tân Hưng, Hưng Long, Nhà Nguộn (Xuân Yên).

Giáo xứ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn về đời sống đức tin cũng như cuộc sống mưu sinh. Là giáo xứ nhỏ nhưng địa bàn hành chính nằm trên hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, người dân thuần tuý sống bằng nông nghiệp. Nhờ tinh thần sống đạo có chiều sâu và sự khôn ngoan, nâng đỡ ơn gọi của các linh mục quản xứ nên số lượng con em vào các chủng viện và dòng tu khá đông.

Theo báo cáo tất niên 2022, bao gồm 4 giáo họ là Tam Đa, Tân Hưng, Hưng Long, Xuân Yên với 1.694 nhân danh,  do linh mục GB. Lưu Ngọc Hùng coi sóc. Hội đồng Mục vụ, các ban ngành đoàn thể đang trên đà được kiện toàn, các hội đoàn trong giáo xứ hiện phát triển rất mạnh như Lêgiô Mariae, Gia Đình Thánh Tâm, Công tác tông đồ bác ái, từ thiện cũng như những hoạt động phát triển cộng đồng như giáo dục, khuyến học, y tế, môi trường được chú trọng quan tâm đặc biệt.

Với lịch sử hình thành và phát triển hào hùng, cùng với những tiềm năng hiện có, giáo xứ Tam Đa đang mở ra những vận hội mới. Cùng với ơn Chúa, giáo xứ đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong thời đại hôm nay.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN SƠN

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 26/12/2014
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo xứ Tân Sơn
– Địa chỉ: xóm Con Phượng, thuộc khối 3, Thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Gioan Trần Diệu
– Các giáo họ: Sơn Thủy, Tân Thủy
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.246
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tân Sơn nằm trên địa bàn khối 3, Con Phượng, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh; cách Tòa Giám Mục Hà Tĩnh khoảng 16 km.

Xứ đạo được thành lập theo quyết định ngày 26/12/2014 của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Hiện nay, giáo xứ Tân Sơn gồm giáo họ Tân Thủy và Sơn Thủy, với 230 hộ gia đình và 1.153 nhân khẩu. Ngày 12/1/2015 đã trở thành ngày lịch sử của xứ đạo Tân Sơn: công bố quyết định thành lập và đón cha quản xứ tiên khởi GB. Nguyễn Ngọc Nga và cha xứ kế tiếp là cha Gioan Trần Diệu.

Trở về quá khứ, vào năm 1629, vùng đất Cửa Sót và lưu vực sông Nghèn, sông Cày và sông Già đã được đón nhận hạt giống đức tin bởi thừa sai Alexandre de Rhodes và Marquez. Từ đó, các xóm đạo hình thành và phát triển, trong đó có Tân Thủy và Sơn Thủy ngày nay.

Lúc khởi đầu lập họ, nơi đây có ba giáo điểm: Ba Già, Tân Hội, Vực Vịt. Vì phải lênh đênh trên sông nước, chỗ ở là những con thuyền nhỏ nên không lập họ được, việc sinh hoạt và lãnh nhận bí tích thì về xứ Trại Lê.

Năm 1890, họ Ba Già được thành lập với 229 giáo hữu sống dọc sông Nghèn từ Ngã Ba đến Đò Điệm và sông Ba Nái. Sau một thời gian, giáo họ Ba Già tách ra và lập nên họ Tân Thành.

Năm 1915, giáo xứ Lộc Thủy được thành lập, một số giáo dân họ Đan Cảnh (vùng Đò Đăm, Đò Điệm) nhập vào họ Tân Thành và đổi tên là họ Tân Hội với số giáo dân 175 người cùng chung nhà thờ với họ Ba Già. Trải qua năm tháng, giáo dân 2 họ ngày càng phát triển, một số giáo dân chuyển lên lập họ Vĩnh Lộc, sau nhập vào xứ Kim Lâm, một số sinh sống ở xóm Con Phượng tách ra lập họ Vực Vịt. Năm 1974, cha Lê Đình Hướng đã sát nhập Ba Già và Tân Hội lấy tên là giáo họ Tân Thủy. Năm 2006, hai giáo họ Tân Thủy và Sơn Thủy sinh hoạt trong cộng đoàn giáo xứ Hòa Mỹ. Dưới sự coi sóc của cha Phêrô Nguyễn Xuân Đình, nơi đây đã có nhiều đổi thay về kinh tế và đức tin.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Là giáo xứ thuần nông, một số gia đình buôn bán nhỏ lẻ, đất đai canh tác ít, nguồn nước bị nhiễm phèn nên cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Khi mới về nhận nhiệm sở, cha GB. Nguyễn Ngọc Nga đã cùng dân từng bước khắc phục, nhất là tạo công ăn việc làm và giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân. Song hành với xây dựng cơ sở vật chất, giáo xứ đang dần đi vào ổn định. Hiện nay, giáo xứ có 1.246 nhân danh, có hai hội đoàn chính: Gia Đình Thánh Tâm và Hội Con Đức Mẹ. Bên cạnh đó, giáo xứ có Ban Caritas hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên chăm lo, thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ không chỉ người Công giáo mà còn quan tâm đến cả những người không cùng niềm tin.

Quả vậy, khi lần giở những trang sử bi hùng từ ngày đầu hình thành đến nay, giáo dân Tân Sơn luôn thấy rõ niềm khát khao mãnh liệt ấy được ẩn giấu nơi những bước chân kiên trung của ông cha, hạt giống Tin Mừng đã vượt qua thời khắc nghiệt ngã và âm thầm đơm bông kết trái. Phát huy truyền thống hào hùng ấy, Tân Sơn đang từng ngày vươn mình lớn mạnh sánh vai cùng các giáo xứ khác trong giáo phận.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN THÀNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1936 chính thức thành lập
– Quan thầy: Lễ Truyền Tin
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Tân Thành
– Địa chỉ: Xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Micae Trần Phúc Bách
– Các giáo họ: Tân Thành, Tân Bình, Tân Sơn
– Tổng số giáo dân hiện nay: 3.654
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trở về với những ngày đầu hình thành, nhà thờ Tân Thành chỉ là túp lều tranh dựng tạm, không phên, không tường, được xây dựng trên nền nhà nguyện cũ bị bom B52 tàn phá.

Năm 1936, giáo xứ Tân Thành chính thức thành lập. Năm 1939, số giáo dân xứ đạo này vào khoảng 468 nhân danh. Đến nay, giáo xứ có 3 giáo họ: Tân Thành, Tân Bình và Tân Sơn với 3.654 nhân danh (theo thống kê 2023).

Nhắc đến Tân Thành, người dân trong vùng sẽ nhớ đến câu chuyện về ông Trùm Noãn. Trong thời gian xây dựng nhà thờ giáo xứ Tân Thành, ông khám phá ra một ngọn đồi còn bỏ hoang, đất đai phì nhiêu và đã lên huyện xin lập khu di dân nơi đây. Ông về làng Chợ Lù để tìm những gia đình nghèo nhằm hướng dẫn họ lên vùng đất này lập nghiệp. Về sau, hầu hết số người di cư này đã theo đạo Công giáo và lập nên họ đạo Tân Sơn thuộc xứ Tân Thành.

Nằm trên địa bàn đồi núi trọc, đất canh tác ít, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp nên việc mưu sinh còn nhiều khó khăn. Vùng đất này được mệnh danh là “dân tứ chiếng Trại Cày” vì quy tụ người dân từ khắp nơi về cày trại cho Nhà Chung Xã Đoài.

Linh mục quản xứ đương nhiệm là cha Micae Trần Phúc Bách. Với tấm lòng mục tử, ngài đã cùng người dân cải thiện công ăn việc làm để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần.  Hiện nay, giáo xứ có hội đoàn Gia Đình Thánh Tâm và đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hoạt động năng động và có chiều sâu tâm linh.

Phát huy những tiềm năng sẵn có, cộng với sự cần cù siêng năng và tinh thần sống đạo kiên vững, giáo xứ Tân Thành đang từng ngày trưởng thành về mọi mặt.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TRẠI LÊ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1677
– Quan thầy: Thánh Phêrô Hoàng Khanh
– Địa giới: cách TGM Hà Tĩnh 15km theo hướng Đông Nam
– Trụ sở: Giáo họ Trại Lê
– Địa chỉ: xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Antôn Nguyễn Khánh Cương
– Các giáo họ: Trại Lê, Vinh Long, Bình Hòa, Tân Thành, Đồng Bàn, Kỳ Lịch, Cây Bàng
– Tổng số giáo dân hiên nay: 4.125
– Các cơ sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Trại Lê thuộc xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những xứ đạo có lịch sử hình thành lâu đời nhất giáo phận. Theo thư tổng kết của Đức Cha Ngô Gia Hậu viết cuối tháng 2/1874 thì giáo xứ Trại Lê được thành lập năm 1677 với 15 giáo họ, số giáo dân là 800 người.

Theo truyền khẩu, xứ Trại Lê có sau xứ Thọ Kỳ (thành lập năm 1676) một vài năm. Trại Lê vinh dự được cha thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh coi sóc (1819). Trước năm 1873, các giáo họ thuộc xứ Trại Lê được hình thành và đi vào nề nếp. Giáo họ trị sở gồm có xóm trên, xóm dưới, xóm Đồng Làng và Thượng Lội. Bên cạnh đó, có 13 giáo họ lân cận: Bình Hòa, Đồng Nghĩa, Mỹ Hòa, Thịnh Lạc, Văn Định, Kẻ Lịch, Đồng Bàn, Tam Đa, Tân Hưng, Nhà Nguộn (Xuân Yên), Phương Mỹ, Tràng Đình, Tiếp Võ, Kim Lâm.

Theo dòng lịch sử, Trại Lê có 4 lần tách xứ: Năm 1903, tách Tràng Đình với 500 giáo dân; năm 1937, tách xứ Tam Đa với 700 giáo dân; năm 2005, tách Hòa Mỹ cùng với giáo họ Phương Mỹ độc lập. Năm 2006, giáo họ Phương Mỹ chính thức trở thành xứ đạo mới. Từ ngày thành lập đến nay, số lượng giáo dân Trại Lê không ngừng tăng nhanh, nếu như năm 1677 với 800 nhân danh thì năm 2014 có 3.877 nhân danh.

Một trong những nét truyền thống tốt đẹp của giáo xứ này là tinh thần đoàn kết, hiệp nhất, biết lấy nhân nghĩa đạo đức để cư xử với nhau trong tinh thần tương thân tương ái. Chính vì vậy mà đời sống người dân cũng như các công trình của giáo xứ luôn khang trang đẹp đẽ, quê hương xứ sở ngày càng vững mạnh.

Linh mục quản xứ hiện tại là cha Antôn Nguyễn Khánh Cương. Giáo xứ hiện có 7 giáo họ là Trại Lê, Vinh Long, Bình Hòa, Tân Thành, Đồng Bàn, Kỳ Lịch, Cây Bàng với 4.100 nhân danh, với các hội đoàn như Legio Mariae, Phan Sinh Tại Thế, Giới Trẻ Phan Sinh, Thiếu Nhi Thánh Thể và Con Đức Mẹ.

Bên cạnh đó,Giáo xứ có đội ngũ giáo lý viên đông đảo thầy cô giáo lý viên giảng dạy. Ngoài ra, Ban Caritas và Ban Y tế của giáo xứ luôn hoạt động tích cực trong việc chăm sóc nâng đỡ người già, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trại Lê là giáo xứ dồi dào về ơn gọi dâng hiến, đã đóng góp cho giáo hội nhiều linh mục và tu sĩ.

Phát huy truyền thống lịch sử lâu đời, kế thừa những di sản quý giá mà tổ tiên để lại, giáo xứ đang huy động những tiềm năng hiện có để xây dựng xứ đạo Trại Lê vững mạnh trong hiện tại và phát triển trong tương lai.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TRÀNG ĐÌNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1903, tách từ Giáo xứ Trại Lê và Thọ Ninh
– Quan thầy: Teerrexa Hài Đồng Giêsu
– Địa giới:Giáo xứ Tràng Đình được tách ra từ giáo xứ Thọ Ninh và Trại Lê năm 1903. Hiện nay nằm dưới chân Rú Nậy theo hướng Nam thuộc xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
– Trụ sở: Giáo họ Tràng Đình
– Địa chỉ:Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Gioan Nguyễn Phương Hướng
– Các giáo họ: Tràng Đình, Yên Mỹ, Kim Long, Yên Cải
– Tổng số giáo dân: 3.935
– Các sở dòng: Nhóm MTG Yên Mỹ, CĐ Thừa sai Bác Ái Tràng Đình

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tràng Đình thuộc xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nằm dưới chân Rú Nậy, ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1936 vẫn giữ được nét cổ kính thâm nghiêm như một dấu tích không bao giờ phai nhạt về trang sử hào hùng của giáo dân nơi đây.

Theo linh mục Phaolô Nguyễn Hoằng trong bản tự sự thì nhà xứ Tràng Đình được thành lập vào tháng 3/1897, lúc bấy giờ ngài là quan Phụ Tế Đại Thần dưới thời vua Đồng Khánh. Trên thực tế, giáo xứ Tràng Đình được thành lập năm 1903 khi hội đủ các yếu tố cấu thành một giáo xứ theo giáo luật. Giáo dân lúc đó có khoảng 150 nhân danh.

Đi trọn gần một thế kỷ, vốn vẫn được ít biết đến với những hoạt động bề nổi bên ngoài song hai tiếng Tràng Đình đã đi vào lịch sử Giáo Hội với những trang hào hùng, bi tráng. Mảnh đất này đã từng ngập chìm trong bầu khí sục sôi máu lửa một thời, đó là sự kiện xảy ra vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX với linh mục quản xứ Phêrô Hoàng Khang.

Những năm gần đây, giáo xứ đã chỉnh trang khuôn viên nhà thờ, nhà xứ, sinh hoạt đi vào nề nếp và lớn mạnh hơn. Nơi đây, giáo dân sống tập trung quy tụ đoàn kết nên đời sống ổn định, vững mạnh, xứng đáng là chứng nhân Tin Mừng giữa xã hội hôm nay. Bên cạnh đó, hiện diện trên địa bàn giáo xứ có chi nhánh dòng Mến Thánh Giá và Thừa Sai Bác Ái, quý xơ đã luôn đồng hành cùng giáo xứ.

Nói đến Tràng Đình, người ta sẽ nhớ ngay đến nghề mộc, đây là nghề chính của người dân vùng Yên Lộc.

Là giáo xứ có bề dày lịch sử hào hùng, Tràng Đình có nhiều ban ngành, hội đoàn vững mạnh: Gia Đình Thánh Tâm, Phan Sinh Tại Thế, đội ngũ giới trẻ hùng hậu, thầy cô giáo lý viên có thâm niên đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo.

Ngày nay, Tràng Đình đang từng bước lớn mạnh và khẳng định vị thế của một giáo xứ có truyền thống sống đạo vững bền qua bao thử thách nghiệt ngã. Chúng ta chứng kiến nhiều nét đổi thay, cả về đời sống kinh tế, văn hoá lẫn đời sống đạo nơi 3.935 giáo hữu (báo cáo tất niên 2023), thuộc 4 giáo họ: Tràng Đình (trị sở); Yên Mỹ; Kim Long; Yên Cải.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt lành, giáo xứ đã có nhiều linh mục, tu sĩ và chủng sinh. Tràng Đình đang trở về với quá khứ hào hùng, phát huy những tiềm năng hiện có nhằm xây dựng quê hương xứ sở ngày một tươi sáng vững mạnh trên mọi phương diện.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN