TỔNG QUAN VỀ GIÁO HẠT CHÍNH TÒA VĂN HẠNH

– Thành lập: Năm 1888
– Địa giới: Bao gồm Tp. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, các giáo xứ ở gần nhau trong bán kính 10km, giao thông thuận lợi.
– Trụ sở: Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh.
– Địa chỉ: Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh
– Số giáo xứ: 11, bao gồm: Văn Hạnh, An Nhiên, Chân Thành, Hòa Thắng, Hương Bình, Kẻ Đông, Lộc Thủy, Tiến Thủy, Tĩnh Giang, Tân Lâm và Văn Hòa.
– Tổng số giáo họ: 28
– Số linh mục: 12
– Tổng số giáo dân: 29.043 
– Các sở dòng: CĐ MTG Chân Thành, CĐ Thừa sai Bác Ái, CĐ Bác ái Thánh nữ Jeanne Antide Throuret (An Nhiên, Văn Hạnh), CĐ Thứa sai Đức Tin, CĐ Nữ Tử Tận Hiến cho Chúa Thánh Thần.

VIDEO - HÌNH ẢNH

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ VĂN HẠNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1950
– Quan thầy: Thánh Micae
– Địa giới: Văn Hạnh nằm theo tuyến đường thiên lý Bắc Nam, là cửa ngõ dẫn vào thành phố Hà Tĩnh, cách trung tâm Thành phố 3 km. Giao thông đi lại thuận tiện, đất đai rộng rãi.
– Trụ sở: Giáo họ Văn Hạnh
– Địa chỉ: xã Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Nguyễn Khắc Bá
– Facebook: Giáo Xứ Văn Hạnh
– Các giáo họ:  Văn Hạnh, Hạnh Tiến, Hạnh Đức
– Tổng số giáo dân hiện nay: 4.640
– Các sở dòng: CĐ Bác ái Thánh nữ Jeanne Antide Throuret

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Năm 1950, trước sự thỉnh cầu của cha quản hạt Phêrô Nguyễn Văn Phúc, Đức cha GB. Trần Hữu Đức đã ký quyết định thành lập giáo xứ sở hạt Văn Hạnh, tách từ An Nhiên, số giáo dân lúc này khoảng 2.000 người. Quyết định ấy mãi đến năm 1962 mới chính thức được công bố. Có thể nói rằng tên gọi Văn Hạnh xuất hiện trong văn bản pháp lý cũng như lịch sử giáo phận. Trên mảnh đất này còn lưu dấu nhà nguyện Kẻ Nhím, Nhà Chung và các chiến tích hào hùng chống lại giặc Văn Thân (1885 – 1886) cũng như hoạt động sôi nổi của Liên Đoàn Công Giáo (1946 – 1952).

Tên Văn Hạnh được đổi từ tên xóm Cửa Nha, một xóm thuộc xứ Kẻ Nhím. Văn nghĩa là văn minh, tốt đẹp, lịch lãm. Hạnh là hạnh phúc tốt đẹp, may mắn…Như thế tên Văn Hạnh là nơi văn minh, hạnh phúc.

Dù giáo xứ thành lập khá muộn nhưng giáo họ Văn Hạnh từ những năm 1880 đã được chọn làm nơi đóng sở hạt, bởi nơi đây chính là họ trị sở của Kẻ Nhím. Mảnh đất này cũng là nơi cư trú của các thừa sai ngoại quốc. Trong các thừa sai coi sóc Văn Hạnh , có các cha phó: cha Phaolô Diệu (Song Ngọc), cha Giuse Thân, cha Phêrô Đề (Văn Thọ), cha Giuse Lâm ( Xuân Mỹ). Khi giáo xứ thành lập thì cha Phêrô  Nguyễn Văn Phúc (Nghĩa Yên) được bề trên chính thức bổ nhiệm làm quản xứ và quản hạt. Tuy nhiên do thời cuộc, ngài chỉ quản hạt được 3 năm (1950-1953). Từ đây đến năm 1961, Văn Hạn không có chủ chăn chính thức mà chỉ có cha phó hoặc các cha kiêm nhiệm. Ngày 17/11/1991, bề trên sai cha Phêrô Nguyễn Văn Đức về quản hạt, quản xứ. Từ đó đến nay, Văn Hạnh không bao giờ vắng bóng linh mục coi sóc nữa.

Năm 2003, Văn Hạnh khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới. Sau 10 năm thi công, công trình đồ sộ và hiện đại bậc nhất Giáo phận đã hoàn thành. Ngày 26/04/2012, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ tế và cung hiến thánh đường Giáo xứ Văn Hạnh.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Từ khi giáo phận Hà Tĩnh được thành lập (12/2018), Văn Hạnh trở thành Giáo xứ Chính tòa của Giáo phận. Giáo xứ hiện có 3 giáo họ: Văn Hạnh, Hạnh Tiến, Hạnh Đức với tổng số giáo dân hiện nay là 4.640, người dân sống bằng nghề  nông nghiệp và buôn bán. Đời sống nơi đây có phần khá hơn các vùng lân cận. Người tín hữu có lòng đạo sâu sắc và tinh thần xây dựng cao. Các hội đoàn trong giáo xứ ngày càng đông và thăng tiến về mọi mặt xứng với tên gọi là xứ mẹ của các giáo xứ trong Giáo phận.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ AN NHIÊN

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1880
– Quan thầy: Đức Mẹ Lên Trời
– Địa giới: Giáo xứ phân bố dọc theo tỉnh lộ 9 từ Thành phố Hà Tĩnh về Hộ Độ, nhìn chếch về hướng Bắc, đây là  một vùng đất khá lý tưởng.
– Trụ sở: tại nhà thờ giáo xứ An Nhiên
– Địa chỉ:Thạch Hạ, Tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Antôn Nguyễn Xuân Hồng
– Facebook: Giáo xứ An Nhiên
– Các giáo họ: An Nhiên
– Tổng số giáo dân: 4.080
– Các sở dòng: CĐ Bác ái Thánh nữ Jeanne Antide Throuret

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Về thời điểm thành lập giáo xứ An Nhiên, đến nay có nhiều sử liệu khác nhau. Tuy nhiên khi nghiên cứu lịch sử các xứ phụ cận và căn cứ vào cuốn kỷ yếu giáo phận năm 1992, chúng ta khẳng định rằng giáo xứ An Nhiên được thành lập 1880, tách từ Kẻ Nhím. Lúc bấy giờ, Kẻ Nhím là giáo xứ rộng lớn với hơn 20 giáo họ, trải rộng khắp vùng Văn Hạnh, Chân Thành, An Nhiên và Trung Nghĩa. Sau khi chia tách Trung Nghĩa thì An Nhiên cũng được thành lập, số giáo dân lúc này khoảng 172 người. Thời bấy giờ họ Đạo An Nhiên bị ngăn cách với Kẻ Nhím bởi Rào Na, đi lại rất khó khăn, đặc biệt khi thủy triều dâng. Theo lưu truyền, tên xứ An Nhiên do cha Phức đặt, lấy hai chữ đầu trong thành ngữ “An nhiên tự tại” với mong muốn mảnh đất này sẽ luôn được bình yên.
Ban đầu, An Nhiên xây dựng ngôi nhà nguyện đơn sơ tại Đập Rạn (đồng muối bấy giờ), sau đó di dời lên Cồn Ngành chính là vị trí nhà thờ cũ. Năm 1887, sau khi yên giặc Văn Thân, cha Ái đã cho xây lại nhà thờ kiên cố bằng gỗ lim, táu, mái lợp nhói vảy. Ngôi thánh đường này tồn tại đến khi di chuyển lên địa điểm mới hiện nay. Để tiện cho sinh hoạt của bà con giáo dân, ngôi thánh đường mới đã được xây dựng trên phần đất mới tại Cồn Diệc, khởi công ngày 14/01/1993. Sau 6 năm thi công, ngày 05/08/1999, ĐC quá cố Maria Cao Đình Thuyên đã cắt băng khánh thành và cung hiến  (x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Đến nay, An Nhiên là giáo xứ có cơ sở vật chất khá đầy đủ với nhà thờ rộng rãi. Giáo xứ hiện có 4.080 giáo dân đang sinh sống bằng nghề nông và các ngành nghề dịch vụ khác. Với lợi thế là một giáo xứ toàn tòng, Anh Nhiên luôn thể hiện tinh thần hiệp nhất xây dựng Giáo hội, đồng thời có điều kiện thực hành đức tin. Hiện nay, trong giáo xứ có nhiều hội đoàn tông đồ đang hoạt động rất tích cực như Gia Đình Thánh Tâm, Thiếu Nhi Thánh Thể. Tuy nhiên với địa bàn thuộc vùng thành phố nên giáo xứ phải đối diện với không ít những thách thức, đặc biệt giới trẻ dễ bị lôi cuốn, tiêm nhiễm do lối sống tục hóa cuốn vào các xã hội thiếu lành mạnh. Hiện nay, giáo xứ do Antôn Nguyễn Xuân Hồng.

Qua các thời kỳ, An Nhiên luôn dồi dào ơn gọi. Đến nay An nhiên đã đóng góp nhiều linh mục cho Giáo hội: như cha Phêrô Võ Tá Hiền, Phêrô Nguyễn Thung, Jos. Thế, Phêrô Lịch, Phêrô Chuyên, Phêrô Nguyên, Phêrô Đoan, Giacôbê Nguyễn Trọng Thể, cha GB. Nguyễn Minh Dương,  hiện nay còn cha Gioan Nguyễn Văn Hoan đang hoạt động trong giáo phận và một số linh mục ngoài giáo phận.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ CHÂN THÀNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1931
– Quan thầy: Sinh Nhật Đức Mẹ
– Địa giới: Đây là vùng có các xứ đạo sầm uất, cách gần 1km về hướng Bắc là nhà thờ chính Tòa Giáo Phận, hướng Đông Bắc là giáo xứ An Nhiên; phía nam là bãi đất Cồn Cồ, pháp trường của thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh. Là một giáo xứ nông thôn bán thánh thị. Chân Thành có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống vật chất cũng như thực hành đức tin.
– Trụ sở: Giáo họ Chân Thành
– Địa chỉ:  Xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Phan Đình Trung
– Facebook: Giáo Xứ Chân Thành
– Các giáo họ: Chân Thành, Hoàng Yên
– Tổng số giáo dân hiện nay: 3.002
– Các sở dòng: Cộng đoàn MTG Chân Thành

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Dựa trên yếu tố địa lý, lịch sử và những dấu tích để lại, chúng ta có thể khẳng định rằng Chân Thành là một trong những giáo xứ có nguồn gốc từ xứ Kẻ Nhím cổ xưa, nơi đây, từ những năm 1630, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi. Đây cũng là nơi phải trải qua bao thời kỳ đen tối trong lịch sử.

Cùng chung số phận với các giáo xứ trên đất Việt, giáo xứ Kẻ Nhím đã chịu bao cuộc bách hại thảm khốc, trong đó phải kể đến cuộc bách hại của giặc Chiêu (1825), giặc Cẩm Trang và đặc biệt là phong trào Văn Thân (1885-1886), giáo xứ Kẻ Nhím trở nên hoang tàn, nhà thờ (tại Văn Hạnh) bị đốt phá, giáo dân bị giết rất nhiều. Tuy nhiên, giáo dân ở đây rất kiên cường trong đức tin, bởi chính mảnh đất này, nơi có pháp trường Cồn Cồ, đã thấm máu các vị anh hùng tử đạo. Đúng như lời giáo phụ Tertulianus đã nói “Máu tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô hữu”, từ mảnh đất Kẻ Nhím này, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có lúc tưởng chừng như biến mất sau những lần bách hại ác liệt, nhưng xứ đạo vẫn không ngừng lớn mạnh và lần lượt sản sinh ra các giáo xứ khác như: Trung Nghĩa (1875), An Nhiên (1880). Sau nạn Văn Thân, Kẻ Nhím gần như tan hoang, nhà thờ bị đốt phá, giáo dân phải tạm thời sinh hoạt ở các giáo xứ bạn (Văn Hạnh sinh hoạt với An Nhiên, Giáp Hạ sinh hoạt với Hòa Thắng). Tuy nhiên, sức sống mãnh liệt đã trỗi dậy ít năm sau đó, năm 1888, Văn Hạnh xây ngôi nhà thờ kiên cố đang tồn tại đến ngày nay, Giáp Hạ cũng xây nhà nguyện một năm sau đó (1889). Đến năm 1919, một ngôi thánh đường khác đã được xây dựng trên mảnh đất Chân Thành hiện nay. Lúc này trên danh nghĩa Chân Thành vẫn trực thuộc giáo xứ Hòa Thắng.

Năm 1931, giáo xứ mới chính thức được thành lập với tên gọi là Giáp Hạ. Đến năm 1988, nhà thờ cũ được sửa chữa lại khang trang rộng rãi hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mục vụ, ngôi thánh đường mới đã được khởi công vào ngày 6/9/2002 và được cung hiến vào ngày 5/8/2004. Cũng từ năm 2002, giáo xứ được đổi tên thành giáo xứ Chân Thành và nhận bổn mạng là lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Sau gần 10 năm sử dụng, nhà thờ đã bị xuống cấp, trung tuần tháng 6/2013, giáo xứ đã trùng tu lại. Tên gọi mới của giáo xứ cũng mang nhiều ý nghĩa thiết thực: để ghi ơn hai linh mục là cha Chân và cha Thành đã có công thành lập giáo xứ, cùng ước nguyện đoàn dân Chúa trong giáo xứ này luôn sống chân tình và thành tín, xứng với truyền thống của mảnh đất thấm máu các anh hùng tử đạo.( Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Chân Thành đã trải qua các đời cha xứ như cha Phước (1826), cha Điền, cha Quỳ (1931-1933), cha Chân (1933-1941), cha Khang (1941-1957), cha Chính (1958-1962), cha Hướng (1963), cha GB. Lê Văn Ninh (1964), Phêrô Nguyễn Văn Huyền (1959-1961), cha Giuse Phan Văn Tần (1961-1989), cha Phêrô Đậu Đình Triều, cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm (2001-2003), cha FX. Đinh Văn Quỳnh, cha GB. Cao Xuân Hành. Cha  Cyrillo Trần Đức Hồng, cha GB. Lê Bá Phượng.

Hiện nay, Chân Thành là một giáo xứ mạnh trong giáo hạt Văn Hạnh, với cơ sở hạ tầng khá đầy đủ, khang trang. Tổng số giáo dân hiện nay: 3.002, với 2 giáo họ Chân Thành, Hoàng Yên dưới sự coi sóc của cha Jos. Phan Đình Trung, một linh mục nhiệt thành và năng nỗ. Giáo dân luôn nhiệt thành trong đức tin, đặc biệt có tinh thần yêu mến và hăng say đóng góp xây dựng Giáo Hội. Sự hiện diện của Dòng Mến Thánh Giá trên địa bàn là động lực lớn để nhiều con em sẵn sàng bước theo ơn gọi tu trì, phục vụ Giáo Hội. Đến nay Chân Thành đã đóng góp nhất nhiều tu sỹ nam nữ và linh mục cho Giáo hội.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ HÒA THẮNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1880
– Quan thầy:
– Địa giới: Nằm trên dải đất thuộc dòng sông Phủ đổ ra Cửa Sót, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh về Hướng Đông Nam. Hòa Thắng giáp Thu Chỉ về hướng Đông Nam, giáp Ngô Xá theo hướng Tây Nam và Tĩnh giang theo hướng Tây Bắc.
– Trụ sở: Giáo họ Hòa Thắng
– Địa chỉ: Xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
– Linh mục quản xứ hiện tại: Antôn Nguyễn Minh Tâm
– Facebook: Giáo xứ Hòa Thắng
– Các giáo họ: Hòa Thắng, Hòa Lạc, Hòa Yên, Hòa Khánh, Hòa Bình
– Tổng số giáo dân hiện nay: 2.057
– Các sở dòng: Cộng đoàn Thừa sai Bác ái

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Nằm trên dải đất thuộc dòng sông Phủ đổ ra Cửa Sót, Hòa Thắng đã được đón nhận Tin Mừng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Chẳng bao lâu sau, mảnh đất này đã hình thành các họ đạo sầm uất như: Kẻ Cường, Thu Chỉ, Làng Khe… thuộc giáo xứ Kẻ Đông. Đây cũng là nơi đã ghi dấu ấn đức tin và lòng kiên trung bất khuất của bao thế hệ cha anh qua những cơn bách hại khủng khiếp. Trong nạn Văn Thân, nhiều giáo họ bị đánh phá, nhà thờ bị đốt, giáo dân bị giết.

Kết thúc thời kỳ bách hại, sức sống lại căng tràn mạnh mẽ như những mầm non vươn lên sau mùa Đông khắc nghiệt. Số giáo dân tăng thêm từng ngày, hàng loạt giáo xứ được thành lập. Trong xu thế đó, giáo xứ Kẻ Cường cũng chính thức được thành lập (1880), tách từ Kẻ Đông, gồm các họ đạo: Kẻ Cường, Thu Chỉ và Làng Khe. Bề trên giáo phận cũng đặt cha Hoàng làm linh mục quản nhiệm đầu tiên. Từ đây, ngài bắt đầu vực dậy đời sống đức tin của bà con giáo dân và củng cố cơ sở vật chất đã bị tàn phá trong nạn Văn Thân. Năm 1915, nhà thờ họ Xóm Rum (Hòa Lạc ngày nay) được khởi công xây dựng. Từ 1933, dưới sự dẫn dắt của cha Đường, lịch sử giáo xứ bước sang một trang mới, đây được coi là thời kỳ phát triển đỉnh cao của giáo xứ; giáo họ lớn Kẻ Cường được chia ra các xóm nhỏ, tiền thân của các giáo họ ngày nay như: xóm Bang, xóm Miệu, xóm Chùa. Năm 1934, Kẻ Cường đổi tên thành Hòa Thắng. Từ giáo xứ này, nhiều giáo xứ khác được khai sinh như: Ngô Xá, Tĩnh Giang (1921) và gần đây nhất là Thu Chỉ (2007). Ngôi thánh đường của giáo xứ hiện nay là do cha GB. Nguyễn Ngọc Nga đã khởi công xây dựng năm 2004, hoàn thành năm 2008 với tước hiệu Mẹ La Vang.

Sau hơn 141 năm hình thành và phát triển, Hòa Thắng đã trải qua 21 đời chủ chăn: Cha Hoàng (1880-1882), cha Quang (1882-1887), cha Phêrô Cai (1887-1905), cha Thận (1905-1916), cha Hoan (1916-1933), cha Phêrô Đường (1933-1936), cha Nhiên (1936-1937), cha Hưu (1937-1938), cha Lễ (1938-1940), cha Phêrô Nguyễn Văn Hiêng (1940-1948), cha GB. Nguyễn Bá Lâm (1948-1954), cha Hiền (1955-1957), cha Phêrô Nguyễn Đình Trọng (1957-1958, 1967-1975), cha Phaolô Nguyễn Đình Diệm (1958-1067), cha Phaolô Ngô Xuân Hợp (1975-1991), cha Phêrô Bùi Văn Huyên (1991-1995), cha Giuse Nguyễn Xuân Hóa (1995-1999), cha GB. Nguyễn Ngọc Nga (1999-2008), cha GB. Hoàng Xuân Lập (2008-2012).( Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Theo thống kê năm 2022, Hòa Thắng có 2.057 giáo dân, dưới sự coi sóc của cha  Antôn Nguyễn Minh Tâm là cha xứ đương nhiệm phân bố trên 5 giáo họ là Hòa Thắng, Hòa Lạc, Hòa Yên, Hòa Khánh, Hòa Bình. Về mặt địa dư, Hòa Thắng không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất đai cũng như thông thương buôn bán, vì thế đời sống của người dân nơi đây khá vất vả. Nhà nguyện của các giáo họ hầu hết xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, giáo dân nơi đây lại có một đời sống đức tin khá kiên cường, vững mạnh. Những năm qua, Hòa Thắng luôn đi đầu trong phong trào dạy và học giáo lý, đạt các thứ hạng cao trong các kỳ thi giáo hạt. Bên cạnh đó, các hội đoàn trong giáo xứ như Gia Đình Thánh Tâm, Thiếu Nhi Thánh Thể sinh hoạt đều đặn, số thành viên không ngừng tăng lên, các hoạt động bác ái xã hội, sinh hoạt giới trẻ cũng được chú trọng và mang lại nhiều kết quả thiết thực.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ HƯƠNG BÌNH

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 02.02.2017 thành lập Chuẩn Giáo xứ và ngày 22.6.2023 được Đức Giám mục Giáo phận thành lập thành Giáo xứ mới.
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Tân Bình
– Địa chỉ: Tân Lâm Hương – Thạch Hà – Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Phan Văn Hiệu
– Các giáo họ: Tân Bình, Hương Bộc
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.603
– Các sở dòng: CĐ MTG Hương Bình

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hương Bình! Tên gọi thân thương, trìu mến, được hun đúc và kết dệt nên qua bao thăng trầm, thử thách sau gần hai thế kỷ từ ngày thành lập cho đến hôm nay. Tên gọi Hương Bình là kết ghép từ hai giáo họ Hương Bộc và Tân Bình thuộc xứ mẹ Kẻ Đông, nằm giữa một vùng quê yên ắng, thanh bình bên hạ lưu hồ Kẻ Gỗ.

Ngược dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ XIX, tại vùng đất giáo xứ Hương Bình ngày nay, có một số giáo hữu vùng Hương Khê tới đây định cư khai hoang lập nghiệp. Đến năm 1825, giáo dân ngày càng đông số, phần vì do một số bà con lương dân xin gia nhập đạo; phần vì có một số giáo dân ở các vùng lân cận di cư tới đây sinh sống, nên Bề trên Giáo phận đã cho thành lập giáo họ Hương Bộc thuộc xứ Kẻ Đông. Lúc ấy, Kẻ Đông là một trong 17 giáo xứ đầu tiên trong giáo phận.

Từ đó đến nay, với gần hai thế kỷ song hành cùng xứ mẹ Kẻ Đông qua bao biến cố của lịch sử dân tộc, người tín hữu Hương Bộc vẫn trung kiên, son sắt trong đức tin, đứng vững trong mọi hoàn cảnh và không ngừng vươn mình lớn mạnh trong thử thách.

Năm 1992 một số hộ gia đình của giáo họ Hương Bộc tách ra thành lập giáo họ Tân Bình. Cả hai giáo họ này đều cách xa trung tâm giáo xứ Kẻ Đông khoảng 3km.

Cha quản xứ tiền nhiệm Phêrô Nguyễn Văn Tâm thấy số tín hữu của hai giáo họ Hương Bộc và Tân Bình không ngừng tăng lên; bà con giáo dân hai giáo họ sống tinh thần hiệp nhất, yêu thương; cơ sở vật chất cũng đã tạm ổn, tất cả nằm trong khuôn viên rộng trên 7.500m², nên ngài đã trình Đức Giám mục Giáo phận cho sáp nhập hai giáo họ Hương Bộc và Tân Bình thành một giáo xứ mới.

Nhận thấy ước nguyện chính đáng của bà con giáo dân và với những điều kiện cần thiết đã khá đầy đủ, nên vào ngày 02.02.2017, Bề trên Giáo phận đã chính thức cho thành lập Chuẩn giáo xứ Hương Bình, gồm hai giáo họ Hương Bộc (trị sở) và Bình Tân, nằm trên địa bàn hành chính xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Và đến ngày 22/6/2023, Đức Giám mục Giáo phận Louis Nguyễn Anh Tuấn đã chính thức thành lập Giáo xứ mới là Hương Bình với 1.603 giáo dân do cha Giuse Phan Văn Hiệu coi sóc.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ KẺ ĐÔNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Thế Kỷ XVIII
– Quan thầy: Đức Mẹ Mân Côi
– Địa giới: Giáo xứ nằm trên đường lên hồ Kẻ Gỗ, cách thành phố Hà Tĩnh 7km về phía Tây. Là một giáo xứ rộng lớn, trải dài trong nhiều xã, địa bàn tương đối phức tạp.
– Trụ sở: Giáo họ Kẻ Đông
– Địa chỉ: Xã Nam Điền, Thạch Hà, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Nguyễn Ngọc Hùng
– Các giáo họ: Kẻ Đông, An Hòa
– Tổng số giáo dân hiện nay: 2.660
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Cho đến nay, chưa có sử sách nào đề cập đến năm thành lập giáo xứ, chỉ biết rằng vùng đất này đã đón nhận ánh sáng Tin Mừng từ rất sớm và Kẻ Đông có tên trong danh sách 18 giáo xứ khi thành lập Giáo phận Vinh (1846). Là một giáo xứ kỳ cựu, Kẻ Đông in đậm dấu ấn các vị thừa sai cũng như các mục tử trong giáo phận. Dưới sự dẫn dắt của cha thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa (1830-1834), vị chủ chăn gốc Việt đầu tiên, cây đức tin của giáo xứ không ngừng phát triển và hạt giống Tin Mừng trổ sinh hoa trái dồi dào. Đến năm 1840, giáo xứ đã có gần 2.000 giáo dân.

Là một xứ đạo rộng lớn, trải dài trong nhiều xã, địa bàn tương đối phức tạp, theo dòng lịch sử, Kẻ Đông đã trở thành mẹ của nhiều giáo xứ phụ cận như: Nhượng Bạn (1870), Hòa Thắng (1880), Tĩnh Giang (1921), Vạn Thành (1925). Hiện nay, Kẻ Đông là một xứ lớn trong giáo hạt Văn Hạnh, gồm có 4 giáo họ Kẻ Đông, An Hòa, Tân Bình và Hương Bộc, với tổng nhân danh 3.980 người và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế bởi đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp độc canh cây lúa nhưng cơ sở vật chất của giáo xứ khá khang trang. Ngôi nhà thờ xứ được khởi công xây dựng từ năm 2002. Sau gần 10 năm xây dựng, ngày 11/8/2012, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã cắt băng khánh thành nhà xứ, nhà thờ và cung hiến thánh đường mới. Đây là công trình tâm huyết của toàn thể giáo dân qua hai đời cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Hoàng và Phêrô Nguyễn Văn Tâm. Bên cạnh đó, nhà thờ các giáo họ cũng đã được xây dựng khá kiên cố.

Mặc dù tọa lạc trong địa bàn phức tạp, giáo dân sống lẫn với lương dân nhưng giáo dân vẫn giữ được truyền thống và xem đó là điều kiện thuận lợi để truyền giáo. Hằng năm có hàng chục người xin học đạo và trở lại đạo. Các hội đoàn tông đồ trong giáo xứ luôn được củng cố và phát triển không ngừng, đặc biệt là Gia Đình Thánh Tâm, hội Con Đức Mẹ. Kẻ Đông đã đóng góp cho Giáo Hội 3 linh mục (Cha Tính, cha Diệm và cha Micae Hoàng Xuân Hường), 2 chủng sinh và 12 tu sỹ. (x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Tính đến nay, giáo xứ đã trải qua 17 đời chủ chăn coi sóc: Cha thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa (1830-1834), cha Trí (1834-1843), cha Quy (1843-1857), cha Khanh (1857-1874), cha Nhơn (1874-1876), cha Nguyên (1876-1889), cha Ngự (1889-1894), cha Nghĩa (1894-1915), cha Điền (1915-1926), cha Huệ (1926-1934), cha Lý (1934-1953), cha Phaolô Ngô Đình Hợp (1953-1956), cha Giuse Nguyễn Hà Thanh (1956-1978), cha Phêrô Lê Duy Lượng (1979-1988), cha Phaolô Maria Bùi Văn Huyên (1988-1997), cha Antôn Nguyễn Văn Hoàng (1997-2010), cha Phêrô Nguyễn Văn Tâm. Hiện tại giáo xứ do cha GB. Nguyễn Ngọc Hùng coi sóc với 2.660 giáo dân.

Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, củng cố đời sống tâm linh, cộng đoàn giáo xứ không ngừng đầu tư nâng cao đời sống văn hóa và tri thức. Hy vọng trong tương lai, Kẻ Đông sẽ trở thành một giáo xứ lớn mạnh hơn nữa về mọi mặt.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ LỘC THỦY

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1914 tách từ xứ An Nhiên
– Quan thầy:
– Địa giới: Giáo xứ là điểm giao nhau giữa hai nhánh sông  Vọc Sim và Đò Điệm. Nguồn lợi thiên nhiên khá dồi dào và phong phú, cách quốc lộ 1A khoảng 1,5 km về hướng Đông. Đây là giáo xứ lớn thuộc giáo hạt Văn Hạnh. Trên bản đồ giáo Phận, Lộc Thủy là láng giềng của giáo xứ Chân Thành, An Nhiên, Văn Hạnh.
– Trụ sở: Giáo họ Lộc Thủy
– Địa chỉ: Xã Thạch  Long, huyện Thách Hà, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Huy Hiền
– Các giáo họ: Lộc Thủy, Long Thủy, Thanh Thủy
– Tổng số giáo dân: 3.937
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Từ những năm đầu thế kỷ XIX, một số gia đình Công giáo Trại Lê đã đến ở tại bãi đất trống nằm bên bờ sông Vọc Sim để làm nghề chài lưới. “Đất lành chim đậu”, cuộc sống nơi đây khá dễ chịu và yên ổn, nguồn lợi thủy sản dồi dào, vì thế nhiều hộ khác cũng chuyển đến và định cư nơi đây, tạo thành xóm vạn đò. Đến năm 1875, xóm này đã có 35 hộ với gần 200 nhân khẩu. Mỗi hộ có một chiếc thuyền để hành nghề và dựng một túp lều tranh để ở tạm. Tâm hồn họ luôn kiên vững, trung thành giữ đạo, hàng tuần cả gia đình chèo thuyền sang xứ An Nhiên tham dự thánh lễ. Dần dần số giáo dân đông lên và năm 1881, giáo họ Chu Lâm được thành lập, trực thuộc giáo xứ An Nhiên.

Năm 1885, bề trên giáo phận lại cho thành lập giáo họ mới, lấy tên là Lộc Thủy, thuộc giáo xứ An Nhiên. Cái tên Lộc Thủy nói lên lý do để họ có mặt nơi đây và tồn tại cho đến lúc bấy giờ đều nhờ vào những ân lộc trời ban trên dòng thủy triều này. Năm 1890, ngôi nhà nguyện đầu tiên cũng được xây dựng trên mảnh đất ấy. Từ nay, bà con giáo dân có nơi lui tới kinh nguyện.

Vùng đất Lộc Thủy là điểm giao nhau giữa hai nhánh sông Vọc Sim và Đò Điệm nên nguồn lợi thiên nhiên khá dồi dào. Ngày càng có nhiều người từ các xứ đạo khác đến đây lập nghiệp, số giáo dân tăng, nhưng sinh hoạt tôn giáo khá vất vả, bởi cách trở đò giang. Nhận thấy được những khó khăn trên, năm 1914, bề trên cho phép thành lập giáo xứ Lộc Thủy, bao gồm hai giáo họ Lộc Thủy và Chu Lâm (xứ Tân Lâm ngày nay) vốn giáo xứ An Nhiên, đồng thời đặt cha già Nhơn làm linh mục quản xứ tiên khởi. Năm 1972, dưới thời cha Giuse Vương Đình Ái coi sóc đã cho sát nhập một số dân thuộc giáo họ Tân Hội, xứ Trại Lê và họ Đan Cảnh, xứ Lộc Thủy thành giáo họ Tiến Thủy và nhận Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy. Cũng chính năm đó tiếp tục cắt giáo họ Hói Đăm (Thanh Thủy ngày nay) thuộc xứ Trại Lê về với Lộc Thủy, để thuận tiện cho bà con sinh hoạt.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Sau gần 110 năm thành lập và phát triển, giáo xứ Lộc Thủy đã trải qua 19 đời mục tử coi sóc: Cha Nguyên (1913), cha Nhơn (1913-1916), cha Hồi (1916-1922), cha Thiện (1922-1928), cha Hiêng (1928-134), cha Hưu (1934-1937), cha Hiển (1937-1940), cha Lâm (1940-1948), cha Phước (1948-1952), cha Điều (1952-1953), cha Thung (1953-1965), cha Ái (1972-1979), cha Tần (1979-1982; 1989-1997), cha Đức (1982-1989; 2002-2008), cha Hương (1997-2002), cha Phong (2008-2010) cha GB. Lê Trọng Châu ( 2010 – 2016). Hiện nay Giáo xứ đang được cha Phêrô Nguyễn Huy Hiền  coi sóc với 3.937 tín hữu gồm 3 họ là Lộc Thủy, Long Thủy, Thanh Thủy.

Về với Lộc Thủy hôm nay, chúng ta thấy bộ mặt giáo xứ hoàn toàn đổi khác, ngôi thánh đường mới nằm ở trung tâm giáo xứ với ngọn tháp cao vút, với nhiều nét đổi thay về đời sống đức tin cũng như kinh tế.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN LÂM

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 30/4/2019, Tách từ xứ Mẹ Lộc Thủy
– Quan thầy: Sinh nhật Đức Maria
– Địa giới: 
– Trụ sở: Nhà thờ giáo xứ Tân Lâm
– Địa chỉ: Xã Thạch sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Phan Văn Tập
– Các giáo họ: Tân Lâm
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.313
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giữa dòng chảy của thời gian với bao giông tố bão bùng, giữa bao ồn ào náo động của thời cuộc, cùng với Mẹ Giáo Hội, con thuyền Đức tin của giáo họ Tân Lâm đã không ngừng vượt sóng ra khơi, kiên cường bảo vệ Đức tin để “hạt giống Ngôi Lời” lớn lên mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái trên mảnh đất Tân Lâm hôm nay.

Ngược dòng thời gian, theo các nguồn sử liệu cũ, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vãi vào mảnh đất Tân Lâm từ hơn 145 năm trước và hạt giống đó luôn âm thầm nảy mầm theo lớp bụi của thời gian.

Cộng đoàn Tân Lâm lúc đầu có tên là Chầu Lâm thuộc giáo xứ An Nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian đó, giáo họ Chầu Lâm có con số giáo dân ít ỏi, nên bề trên giáo phận đã cho gia nhập vào giáo xứ mẹ Lộc Thủy, sau đó được đổi tên là giáo họ Tân Lâm.  

Trải qua nhiều thời kỳ cấm cách, bắt bớ tàn khóc và chiến tranh loạn lạc, Tân Lâm luôn giữ một Đức tin tinh ròng và không ngừng phát triển về đời sống đạo đức cũng như tăng về số lượng các Kitô hữu. Hiện nay chuẩn giáo xứ Tân Lâm có hơn 1.313 giáo dân do cha Phêrô Phan Văn Tập coi sóc.

 

 

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TIẾN THỦY

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 17/05/2018
– Quan thầy: Thánh Antôn
– Địa giới: Chuẩn Giáo xứ Tiến Thủy nằm bên con sông Nghèn hiền hòa, thuộc địa bàn xóm Sông Tiến xã Thạch Sơn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
– Trụ sở: Nhà thờ giáo xứ Tiến Thủy
– Địa chỉ: Xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phaolô Nguyễn Xuân Tính
– Các giáo họ: Tiến Thủy
– Tổng số giáo dân hiện nay: 907
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Chuẩn Giáo xứ Tiến Thủy nằm bên con sông Nghèn hiền hòa, thuộc địa bàn xóm Sông Tiến xã Thạch Sơn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhìn về quá khứ thì tại mảnh đất này đầu tiên là một gò cát hoang vu và trống rỗng, không một bóng người. Đặt chân lên mảnh đất này đầu tiên là ba cố: cố Rộng, cố Nghêu và cố Tín. Vì muốn kiếm cái ăn nên các cố sống bằng nghề sông nước, nay đây mai đó.

Đến năm 1945 , một số giáo dân đến định cư sinh sống bằng nghề chày lưới. Dần dần cuộc sống của các cố đã có phần ổn định và đàn con cháu cũng đã trở nên đông đúc hơn.

Việc sinh hoạt tâm linh kinh nguyện chủ yếu là đọc nhóm trong ba gia đình các cố. Dần vì con cháu đông đúc nên các cố đã quyết định làm nhà nguyện để dể bề kinh nguyện .

Thế là ngôi nhà nguyện làm bằng tranh tre đã được mọc lên trên khuôn viên thánh đường bây giờ. Chưa được bao lâu thì do tranh tre mục nát, hơn nữa đàn con cháu ngày một đông hơn. Tính đến 1954 đã có hơn 30 gia đình thuộc 3 dòng tộc, số giáo dân lên tới 150 người. cũng trong khoảng thời gian này với tinh thần vì nhà Chúa các cố và con cháu cùng chung sức chung lòng, mặc dầu tiền bạc ít ỏi, sức người hiếu thốn. Nhưng các cố đã dựng lên được ngôi nhà nguyện bằng gỗ lợp tranh.

Tuy người đơn của hiếm nhưng lòng nhiệt thành đã biến những ước mơ thành hiện thực. Niềm vui đó chưa kéo dài được bao lâu thì vào năm 1954 chiến tranh đã làm mảnh đất này bị tần phá nặng nề, ngôi nhà nguyện của giáo họ cũng không ngoại lệ, chiến tranh đã làm ngôi nhà Chúa sập hoàn toàn.

 Trải qua bao nhiêu thăng trầm đầy thử thách, đến năm 1959 tức là sau 5 năm mới khởi công xây dựng ngôi thánh đường. Ngôi thánh đường thứ ba lại được mọc lên trên mảnh đất củ, trong sự đoàn kết của hơn 30 hộ gia đình giáo dân thuộc hai xứ Trại Lê và Lộc Thủy, trong đó dòng tộc cố Nghêu thuộc họ Tân Hội xứ Trại Lê, nhận Thánh Anton làm bổn mạng .Dòng tộc Cố Rộng và cố Tín thuộc họ Đan Cảnh Xứ Lộc Thủy nhận Thánh Gioan làm quan thầy.

Đến năm 1972 Cha Giuse Vương Đình Ái về quản xứ Lộc Thủy, và ngài đã tập hợp lại lấy tên chung là giáo họ Tiến Thủy thuộc giáo xứ Lộc thủy và nhận Mẹ Maria Vô Nhiệm làm quan thầy.

Nhờ ơn chúa thương và sự che chở của Mẹ giáo họ một ngày một thăng tiến hơn trong đời sống đạo cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội. Sau 15 năm giáo dân càng tăng lên, ngôi nhà nguyện không đủ để 60 gia đình với hơn 300 giáo dân kinh nguyện và dâng lễ.

Thế là năm 1978 khởi sự làm ngôi thánh đường thứ 4. Trong tinh thần đoàn kết chung sức chuang lòng góp công, của chẳng bao lâu ngôi thánh đường đã hoàn thành. Ngôi thánh đường được làm bằng gỗ, xây tường gạch là lợp ngói đỏ . Có được ngôi thánh đường rộng lớn hơn cộng đoàn giáo họ mới được an tâm sáng tối kinh nguyện .

Trải qua thời gian, Giáo họ Tiến thủy được  bề trên Giáo phận quyết định thành lập vào ngày 17/05/2018, với tên chuẩn Giáo xứ Song thuỷ gồm hai Giáo họ Tiến Thuỷ và Song Thuỷ, tách ra từ xứ mẹ Lộc Thuỷ, sau một thời gian hoạt động do nhiều khó khăn trong công tác mục vụ, bề trên Giáo phận đã chấp thuận cho Giáo họ Tiến Thuỷ trở thành chuẩn Giáo xứ. Tiến Thuỷ hiện có hơn 907 nhân danh thuộc xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên vùng hạ lưu sông Nghèn, nơi đây khí hậu khá thuận lời cho người dân trong việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản.

Đứng trước một tương lai đang chờ đợi ở phía trước, với một chuẩn Giáo xứ còn non trẻ, nếu tự cậy vào sức mình thì không thể bước tiếp. Hiện do cha  Phaolô Nguyễn Xuân Tính coi sóc.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TĨNH GIANG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1922
– Quan thầy: Đức Mẹ Vô Nhiễm
– Địa giới: Tĩnh Giang là giáo xứ thuộc trung tâm thành phố Hà Tĩnh, địa bàn trải rộng trên 5 phường xã. Phía Tây Năm, giáo xứ giáp Kẻ Đông, giáp Chân Thành về hướng Tây Bắc và được bao bọc bởi con sông Phủ hiền hòa, thơ mộng phía Đông Nam.
– Trụ sở: Giáo họ Tĩnh Giang
– Địa chỉ: Tân Giang, Tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Nguyễn Viết Nam
– Facebook: Giáo xứ Tĩnh Giang
– Các giáo họ: Tĩnh Giang, Yên Định, Núi Yên, Quan Thành, Văn Yên, Họ Độc Lập Ngũ Đông
– Tổng số giáo dân hiện nay:  2.536
– Các sở dòng: Cộng Đoàn Thừa Sai Đức Tin

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tĩnh Giang được thành lập dựa trên sự hợp thành một số giáo họ thuộc hai xứ Kẻ Đông và Hòa Thắng. Những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX là thời kỳ bình yên, đời sống đức tin được triển nở. Nhận thấy số giáo dân sống quanh thị xã Hà Tĩnh khá đông nhưng lại sinh hoạt tại các giáo xứ khác nhau, khó phát huy được sức mạnh. Bên cạnh đó, đường từ giáo họ đến trung tâm giáo xứ lại gặp nhiều trắc trở đò giang, bởi thế, đầu năm 1922, bề trên đã quyết định thành lập giáo xứ Tĩnh Giang gồm các giáo họ: Tĩnh Giang, Văn Yên, Văn Định (thuộc giáo xứ Hòa Thắng), Nũi Yên, Văn Hội, Quan Thành và Ngũ Đông (thuộc Kẻ Đông), đồng thời đặt cha GB. Hồi làm linh mục quản xứ đầu tiên. Lúc này số giáo dân toàn xứ là 450 người.

Do địa bàn rộng, các giáo họ nhỏ lẻ nằm sâu giữa vùng lương dân nên giáo xứ phát triển khá chậm. Đến năm 1945, giáo xứ Tĩnh Giang mới chỉ có 941 người. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, thị xã Hà Tĩnh lại là thủ phủ của tỉnh, vì thế, giáo dân nhiều nơi tập trung về định cư và làm ăn sinh sống, dẫn đến việc nhân danh của giáo xứ tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, từ năm 2006, thị xã Hà Tĩnh được công nhận là thành phố thuộc tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các nhà máy… không ngừng mở rộng, thu hút nhiều người đến đây lưu trú. Vì thế, Tĩnh Giang trở thành trung tâm sinh hoạt tâm linh cho một lượng lớn khách vãng lai này. Ngày 11/10/2014, tân giáo họ Nhân Hòa được bề trên giáo phận ký quyết định thành lập, tách từ giáo họ Văn Hội. Đây là một bước chuẩn bị cho việc chia tách giáo xứ.

Sau hơn 101 năm hình thành và phát triển, giáo xứ đã trải qua 18 đời mục tử: cha GB. Hồi (1922-1923), cha Gioan Trạch (1923-1928), cha Kim (1928-1934), cha Hiêng (1934-1940), cha Phùng (1940-1946), cha Ái (1946-1952), cha Lữ (1952-1957), cha Giáo (1957-1964), từ năm 1964-2001, giáo xứ được các cha sau kiêm nhiệm: cha Hướng, cha Huyền, cha Trọng, cha Tần, cha Minh, cha Khánh và cha Triều, cha Quỳnh, cha Hoan.  Năm 2005, giáo xứ đã xây lại ngọn tháp của ngôi thánh đường, tạo cho nó vẻ xứng tầm với một giáo xứ thuộc trung tâm thành phố.  Trong giáo xứ có dòng Thừa Sai Đức Tin đang hoạt động, các hội đoàn phát triển mạnh mẽ: Gia Đình Thánh Tâm, Hội Têrêxa và hội Lòng Thương Xót Chúa. Giáo xứ cũng đã góp cho Giáo hội nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Hiện nay, giáo xứ Tĩnh Giang có 6 giáo họ là Tĩnh Giang, Yên Định, Núi Yên, Quan Thành, Văn Yên, Họ Độc Lập Ngũ Đông với 2.536 nhân danh, do cha Giuse Nguyễn Viết Nam coi sóc.

Tĩnh Giang có đội ngũ trí thức khá đông đảo. Đây là nguồn lực to lớn và mạnh mẽ sẽ đưa giáo xứ lên một tầm cao mới, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của một giáo xứ trung tâm thành phố.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ VĂN HÒA

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 30.01.2021
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Văn Hội
– Địa chỉ: Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Văn Khánh
– Các giáo họ: Văn Hội, Nhân Hòa
– Tổng số giáo dân hiện nay: 2.081
– Các sở dòng: Cộng đoàn Nữ Tử Tận Hiến Chúa Thánh Thần.

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Sáng ngày 30/01/2021, chuẩn giáo xứ Văn Hòa được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự thánh lễ công bố Quyết định thành lập chuẩn giáo xứ Văn Hòa – tách từ giáo xứ Tĩnh Giang, giáo hạt Văn Hạnh và Quyết định bổ nhiệm Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khánh làm quản xứ tiên khởi. Vừa mới tròn 1 tuổi, nhưng với sức sống trẻ trung và lòng hăng say xây dựng nhà Chúa. Nay cha quản xứ và bà con giáo dân quyết định xây dựng ngôi nhà thờ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đoàn nơi đây.

 

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO HO ĐL NGŨ ĐÔNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 25/6/2023
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Ngũ Đông
– Địa chỉ: Lưu Vĩnh Sơn
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Văn Tâm
– Các giáo họ: Giáo họ Ngũ Đông, Giáo xóm Thành Sơn
– Tổng số giáo dân hiện nay: 227
– Các sở dòng: 

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Ngày 25/6/2023, đánh dấu một mốc son đáng ghi nhớ, một bước ngoặt lịch sử trong hành trình sống đạo của Giáo họ. Đó là ngày mà giáo họ Ngũ Đông (thôn Đông Tiến, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và giáo xóm Thành Sơn nhận được tin vui trọng đại từ văn phòng TGM Giáo phận Hà Tĩnh với quyết định số 18/2023/QĐLX-GM, Giáo họ Ngũ Đông (Gx. Tĩnh Giang) và Giáo xóm Thành Sơn (Gx. Chân Thành) thành Giáo họ độc lập Ngũ Đông trực thuộc Giáo hạt Văn Hạnh. Tuy nhiên, giáo xóm Thành Sơn vẫn là một đơn vị riêng với họ Ngũ Đông và sẽ được nâng lên Giáo họ khi đủ điều kiện. Cũng trong ngày đặc biệt này, Đức cha Louis đã bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Tâm, CSsR làm tân quản nhiệm tiên khởi giáo họ Ngũ Đông.

 

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN