Để hiểu mối tương quan giữa các giám mục và các dòng tu, chúng ta không thể nào chỉ dừng lại ở chỗ phân tích các quy định của bộ Giáo luật hiện hành, nhưng cần biết những nguồn gốc lịch sử cũng như những nguyên tắc thần học về hiệp thông trong Giáo hội. Vì thế bài này được chia làm ba phần: phần thứ nhất trình bày sơ lược bối cảnh lịch sử; phần thứ hai nêu lên những nền tảng thần học; phần thứ ba điểm qua những quy tắc về tương quan giữa giám mục và dòng tu.

Trước khi đi vào vấn đề, xin lưu ý vấn đề từ ngữ. Trong ngôn ngữ giáo luật hiện nay, “dòng tu” (instituta religiosa) chỉ là một trong năm hình thức của đời sống thánh hiến. Các hình thức khác là: các tu hội đời (instituta saecularia), các tu đoàn tông đồ (societates vitae apostolicae), các ẩn sĩ (eremita), các trinh nữ thánh hiến (virgines consecratae). Đó là nói tổng quát, đến khi đi vào chi tiết, các dòng tu (chiếm số đông nhất), lại còn chia thành nhiều ngành nữa: dòng đan tu – dòng chiêm niệm – dòng tông đồ; dòng giáo sĩ – dòng giáo dân; dòng giáo hoàng – dòng giáo phận.[1] Mỗi ngành đặt ra cho những thứ tương quan khác nhau với các giám mục. Ngoài ra, cần phải thêm một sự phân loại khác nữa, tuy không nổi bật trên phương diện pháp lý nhưng lại quan trọng trên phương diện thực hành, đó là “dòng nam” và “dòng nữ”. Bài này nhắm tới cách riêng các dòng tu và các tu đoàn tông đồ.

I. LỊCH SỬ NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN

A. Lịch sử Giáo hội phổ quát

B. Lịch sử Giáo hội Việt Nam

II. NHỮNG NỀN TẢNG THẦN HỌC VÀ PHÁP LÝ

A. Những nguyên tắc thần học

B. Những quy tắc pháp lý

III. THỰC HÀNH

KẾT LUẬN

I. LỊCH SỬ NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN

Bởi vì sống trên đất nước Việt Nam cho nên nếu có đề cập đến những sự kiện lịch sử của Giáo hội phổ quát, chúng ta cũng cần nói thêm vài nét đặc sắc của quê hương chúng ta trong mối tương quan giữa các giám mục và các dòng tu.

A. Lịch sử Giáo hội phổ quát

Đời sống thánh hiến xuất hiện từ lúc nào? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì không thiếu ý kiến cho rằng những người mở đầu cho đời sống thánh hiến Kitô giáo là chính Đức Trinh nữ Maria và các thánh tông đồ. Dù sao, trong những thế kỷ đầu tiên, các người thánh hiến sinh sống giữa cộng đoàn giáo hội. Một dấu hiệu “ly khai” chớm nở vào đầu thế kỷ IV, khi một số tín hữu rút lên sa mạc sống đời ẩn sĩ và đan tu. Vì lý do gì? Các sử gia thường nêu lý do là vì họ chống lại trào lưu “tục hóa” đang chớm nở trong Giáo hội, khi mà các cuộc bách hại đã chấm dứt, các giám mục được đối xử như các quan chức triều đình, với nếp sống không phù hợp với tinh thần bát phúc. Các “đan sĩ” muốn tiếp nối dòng máu anh hùng của các thánh tử đạo bằng một nếp sống khắc khổ nơi hoang địa, chuyên chăm việc cầu nguyện tiến đức. Đối lại, các Giám mục cũng chẳng tỏ ra thiện cảm lắm với các đan sĩ, vì e rằng những người này sẽ tạo ra một Giáo hội biệt lập và dễ lạc đạo, bởi vì tưởng mình đạo đức cao siêu, trong khi mà vốn liếng thần học chẳng được bao nhiêu! Dù sao, giữa hai bên cũng có những chiếc cầu nối: nhiều Giám mục xuất thân từ hàng ngũ các đan sĩ (chẳng hạn như Basiliô), hoặc thiết lập cộng đoàn đan sĩ cạnh tòa Giám mục (chẳng hạn như Augustinô). Do đó, dần dần các đan sĩ tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội. Nhưng một số câu hỏi sớm được đặt ra, tựa như: Các đan sĩ phải lệ thuộc Giám mục đến mức độ nào? Những đan sĩ gốc từ những giáo phận khác thì buộc phải vâng phục Giám mục gốc của mình hay phải tùy thuộc Giám mục tại nơi mà mình hiện tu trì? Giám mục có quyền xen vào nội bộ đan viện hay không? Giám mục có phải là bề trên của đan viện không?

Rút kinh nghiệm từ những quyết nghị mang tính cách địa phương, Công đồng Calcêđônia (năm 451, canon 4) đã ấn định một tiêu chuẩn có giá trị cho toàn thể Giáo hội, về tương quan giữa các đan sĩ và Giám mục như sau: “Cần phải xin phép Giám mục thì mới được cất một đan viện; các đan sĩ phải phục tùng Giám mục tại nơi mà mình đang tu trì chứ không được phép chọn Giám mục nào mà mình ưng ý. Mặt khác, vai trò của Giám mục là canh chừng việc tuân giữ kỷ luật Giáo hội chứ không được xen lấn vào việc cai trị nội bộ của nhà dòng”.

Bước sang những thế kỷ sau, mối tương quan giữa các đan sĩ và Giám mục biến đổi sắc thái, bởi vì con số đan sĩ chịu chức linh mục tăng gia, và các cha dòng không chỉ lo việc phụng vụ trong đan viện, mà còn đảm trách công tác mục vụ cho giáo dân nữa. Thể chế “đan viện biệt hạt” (abbatiae nullius) ra đời vào thời này: một số đan viện được tách ra khỏi quyền tài phán của Giám mục; viện phụ vừa đứng đầu đan viện, vừa đảm trách các giáo xứ và giáo dân trong lãnh thổ của mình. Trên thực tế, điều này được đặt ra cách đặc biệt tại các nơi “truyền giáo”, chẳng hạn như ở Anh và Ai-len, nơi mà Giáo hội được tổ chức theo khuôn khổ đan viện hơn là theo khuôn khổ giáo phận.

Qua thời Trung cổ, Dòng Cluny được Đức Grêgôriô V ban đặc ân “miễn trừ” (exemptio) vào năm 997: các Giám mục không có quyền hành gì đối với các đan viện của Dòng nữa; những đan viện sẽ trực thuộc Tổng Viện-phụ mà thôi. Dĩ nhiên, các Giám mục rất bực bội, và đã nêu lên vấn đề vào dịp họp các Công đồng hoàn vũ. Thế nhưng, thay vì bênh vực các Giám mục, các Giáo hoàng lại đứng về phía các Dòng, nghĩa là tăng cường số các Dòng miễn trừ, với lý do là Tòa thánh cần có nhân sự ở dưới quyền điều động của mình trong những công tác phục vụ Giáo hội hoàn vũ, thí dụ giảng đạo ở vùng xa xăm hay thậm chí tại những nơi đạo gốc nữa. Ngoài ra, Công đồng Latêranô IV (1215) dành cho Tòa thánh quyền thiết lập và châu phê những Dòng mới. Khi đi vào cụ thể, chính sách vừa nói gây ra rất nhiều đụng độ giữa các Dòng với các Giám mục. Các Giám mục ngứa mắt khi thấy biết bao tu sĩ giảng và giải tội trong giáo phận của mình, mà không hiểu họ từ đâu đến. Ngoài ra, các tu sĩ cũng bị nghi ngờ là đi dò xét các Giám mục để về báo cáo với Tòa thánh.

Vào thời cận đại, nhân dịp bàn về việc cải tổ Giáo hội, các Giám mục tham dự Công đồng Trentô đòi bãi bỏ đặc ân miễn trừ nhưng không thành. Tuy nhiên, từ sau Công đồng, có những dòng được thiết lập do các giám mục (chứ không do giáo hoàng). Từ đó có sự phân loại giữa dòng “giáo hoàng” và dòng “giáo phận”. Nên biết là không phải là tất cả các dòng giáo hoàng đều được hưởng đặc ân “miễn trừ”. Từ đó, có ít là ba cấp độ các dòng tu lệ thuộc vào giám mục giáo phận.

Dù sao, các mô hình này đã được duyệt lại tại Công đồng Vaticanô II, như sẽ thấy ở phần thứ hai của bài viết. Nhưng trước đó, cần nói đôi vài lời về lịch sử Giáo hội Việt Nam.

B. Lịch sử Giáo hội Việt Nam

Như mọi người đều biết, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam được khai mở nhờ tinh thần “thám hiểm” của các Dòng tu chứ không phải do các giám mục! Một điều đáng ghi nhận là các thừa sai Dòng Tên đã sớm thu nhận các “thầy giảng” địa phương để cộng tác vào việc rao giảng Tin mừng. Các thầy giảng đầu tiên đã tuyên khấn với cha Đắc Lộ ngày 27/4/1630 tại Kẻ Chợ (Đàng Ngoài) và ngày 31/7/1643 ở Hội An (Đàng Trong). Trong lịch sử truyền giáo, định chế thầy giảng (catechista) đã có từ lâu, nhưng điều mới mẻ ở đây là họ thêm lời khấn, mà theo ngôn ngữ hiện nay, có thể so sánh với hội viên “Dòng Ba” (của Dòng Tên).

Một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội Việt Nam là việc Tòa Thánh bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông Tòa (29/7/1658) – Đàng Trong và Đàng Ngoài – và trao việc quản trị hai miền cho Hội Thừa sai Paris. Mặc dù dưới khía cạnh pháp lý, tổ chức này chỉ là tu đoàn Tông đồ, nhưng theo thực chất họ giống như dòng tu. Điều này có nghĩa là Giáo hội Việt Nam được trao cho một dòng tu coi sóc, và sớm biến thành một dòng tu. Điều này trở nên rõ rệt hơn nữa ở Đàng ngoài. Tất cả miền truyền giáo này được tổ chức thành “Nhà Chung” dưới sự lãnh đạo của các giám mục. Mỗi xứ đạo được tổ chức thành “Nhà Đức Chúa Trời”. Tại miền Đông Đàng ngoài (được ủy thác cho Dòng Đaminh phụ trách từ năm 1757), sự khác biệt giữa Dòng và Triều xem ra không còn nữa. Dĩ nhiên, đức giám mục là một tu sĩ Đaminh, nhưng các giáo xứ do các cha Dòng điểu khiển, mặc dầu địa phận cũng có các cha triều. Cái giá phải trả là một đàng, trong giáo phận không có các Dòng nam nào khác, và đàng khác, các cha Dòng chẳng có hoạt động tông đồ nào khác ngoài việc coi xứ![2] Trong bối cảnh ấy, thật khó nhận ra sự khác biệt giữa các cha dòng và các cha triều. Thêm vào đó, các cha triều cũng xuất thân từ một “lò đào luyện” chung với các thầy giảng.

Khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo buộc chúng tôi phải giản lược các chi tiết lịch sử, và chỉ ghi lại vài nét đại cương của lịch sử tương quan giữa giám mục và dòng tu trong thế kỷ XX vào ba điểm sau đây.

1/ Sang thế kỷ XX, có nhiều Dòng, nam và nữ, từ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam. Hầu hết là các Dòng giáo hoàng, và tuân giữ các quy định của luật chung của Giáo hội. Các dòng này hoạt động theo đặc sủng của mình, không gắn liền với sinh hoạt giáo xứ.

2/ Trong thế kỷ XX, các Dòng “bản địa” được tổ chức lại theo giáo luật. Bên nam, các dòng “thầy giảng” được thiết lập: Thầy giảng Cái nhum (nay là Dòng Kitô Vua), Sư huynh Thánh Tâm, Tiểu Đệ thánh Giuse, Sư huynh Thánh Gia. Công tác chính của các dòng này là dạy học ở các trường, tuy vẫn không bỏ qua việc giảng đạo truyền giáo. Bên nữ, các “nhà phước” được tổ chức thành Hội dòng Mến Thánh Giá (hoặc với tên gọi tương đương: Con Đức Mẹ Vô nhiễm, Đa Minh, Mân Côi, v.v…) Điều đáng nêu bật nơi các dòng giáo phận, cả nam lẫn nữ, không chỉ ở chỗ phải tùy thuộc giám mục chiếu theo luật chung Giáo hội, mà còn ở chỗ các giám mục là Đấng sáng lập và giữ vai trò bề trên tối cao trong Dòng!

3/ Biến cố 1975 đã khiến cho các dòng mất hết các cơ sở giáo dục và bác ái. Hoạt động tông đồ của họ phần chính xoay quanh các giáo xứ. Một lần nữa, mặc dù nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để trình bày “đặc sủng” của các dòng, nhưng trên thực tế, khó nhận ra sự khác biệt về ơn gọi giữa các dòng bởi vì cùng làm những công tác như nhau.

II. NHỮNG NỀN TẢNG THẦN HỌC VÀ PHÁP LÝ

Qua phần lịch sử, chúng ta thấy rằng các mối tương quan giữa giám mục và dòng tu mang nhiều sắc thái khác biệt trải qua thời gian và không gian. Cần thú nhận rằng mối tương quan ấy có nhiều lúc căng thẳng. Trong một cuộc gặp gỡ giữa các giám mục và các bề trên tổng quyền do Bộ Tu sĩ tổ chức tại Roma năm 1975, đôi bên đều đưa ra những lời “phàn nàn” như sau:[3]

1/ Những phàn nàn về phía các bề trên tổng quyền (nam cũng như nữ). (a) Các giám mục khẩn khoản yêu cầu các tu sĩ đảm nhận các giáo xứ và các công tác tông đồ trong giáo phận, khiến cho các tu sĩ phải hy sinh các đặc tính của đời sống tu trì, tựa như đời sống chung, tình huynh đệ, đặc sủng riêng. (b) Các giám mục ít hiểu biết về các mục đích và đặc sủng của các hội dòng, và thiếu đối thoại về điểm này. (c) Các tu sĩ không được mời tham gia các cơ quan tư vấn được thiết lập sau Công đồng Vaticanô II (hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ, v.v…); (d) Các chủng sinh không được học biết về các dòng tu trong chương trình đào tạo giáo sĩ; (e) Vài giám mục tỏ ra hờ hững với các dòng tu, và chỉ nhớ đến họ mỗi khi có nhu cầu khẩn cấp về nhân sự, chẳng hạn như thiếu cha xứ; (f) Tại các vùng truyền giáo, các giám mục thi hành quyền bính cách độc đoán, làm méo mó bản chất của đời sống tu trì; (g) Các giáo phận không nhiệt tâm với việc cổ động ơn gọi cho các dòng tu.

2/ Những phàn nàn về phía các giám mục. (a) Các tu sĩ, nhất là các dòng giáo hoàng, không quan tâm đến đời sống của giáo phận, dưới chiêu bài là nhắm “bảo vệ đặc sủng” của mình; (b) Nhiều tu sĩ không hòa nhập vào kế hoạch của giáo phận, vì thế khi cần, họ rời bỏ những cơ sở quan trọng đối với giáo phận mà chẳng bàn hỏi với giám mục; (c) Một vài tu sĩ không đếm xỉa đến huấn quyền phổ quát và địa phương; họ trở thành một “huấn quyền song hành” trong lãnh vực đạo lý, xã hội và chính trị; (d) sự phân tán thành cộng đoàn nhỏ, đặc biệt là các nữ tu, mà không hỏi ý kiến giám mục.

Nhằm giải quyết phần nào khó khăn ấy, Tòa Thánh đã ban hành nhiều văn kiện. Chúng tôi chỉ giới hạn vào các văn kiện được ban hành từ Công đồng Vaticanô II đến nay. Trong những văn kiện mang tính hệ thống và toàn bộ hơn cả, cần phải kể đến huấn thị “Mutuae relationes” (Những liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội) do Bộ các giám mục và Bộ các dòng tu và tu hội đời thánh hiến cùng soạn thảo và được ban hành ngày 14-5-1978.[4] Văn kiện được chia làm hai phần. Phần thứ nhất mang tựa đề là “Vài yếu tố đạo lý”, gồm bốn chương. Sau khi trình bày Giáo hội như là Dân mới của Thiên Chúa (ch.1), văn kiện lần lượt đề cập đến tác vụ Giám mục (ch.2), bản chất đời tu trì (ch.3) nhìn trong sự hiệp thông Giáo hội, và cùng nhau thi hành một sứ mạng duy nhất của Dân Thiên Chúa (ch.4). Phần thứ hai mang tựa đề “Những chỉ dẫn và quy tắc”, gồm ba chương, đưa ra những hướng dẫn trong lãnh vực huấn luyện (ch.5), hoạt động (ch.6), và điều phối (ch.7). Chúng ta thấy rằng các quy tắc pháp lý cần được dựa nền trên các nguyên tắc thần học. Đây là điều tạo ra sự khác biệt giữa Giáo hội với các tổ chức chính trị hay các tổ chức kinh tế. Vì thế, trước hết chúng tôi sẽ tìm hiểu các nguyên tắc thần học, sau đó rút ra những hệ luận pháp lý.

A. Những nguyên tắc thần học

Các nguyên tắc thần học chủ yếu thuộc lãnh vực Giáo hội học. Thần học về Giáo hội đã tiến triển rất nhiều trong giai đoạn trước và sau Công đồng Vaticanô II. Trước Công đồng, người ta nhìn Giáo hội dưới bộ mặt cơ cấu phẩm trật theo tổ chức kim tự tháp: ở chóp đỉnh là Giáo hoàng, rồi xuống đến các giám mục được đặt làm quản trị các giáo phận, gồm bởi các giáo sĩ và giáo dân. Theo mô hình này, một đàng thật khó xếp chỗ cho các tu sĩ đã vậy (bởi vì họ không thuộc về cơ chế); đàng khác, các giám mục cũng chỉ là những viên chức do Giáo hoàng bổ nhiệm.

Vaticanô II đã thay đổi bộ mặt ấy. Giáo hội không chỉ là một xã hội gồm các cơ chế như những tổ chức trần thế; tiên vàn, Giáo hội là “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ” (mysterium, communio, missio). Nên biết là phải mất 20 năm sau khi bế mạc Vaticanô II, người ta mới nhận ra mô hình này.[5]

1/ Bản chất của Hội thánhcommunio.

Mô hình “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ” cho thấy ba mối tương quan của Giáo hội: hướng thượng (với Ba ngôi Thiên Chúa), đối nội (tổ chức nội bộ), đối ngoại (tương quan với thế giới). Hội thánh bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Ba ngôi Thiên Chúa (mầu nhiệm: Ecclesia de Trinitate). Ba ngôi còn là tiêu chuẩn cho sự tổ chức nội bộ của Hội thánh, đặc biệt là đặc tính “hợp nhất trong đa dạng”. Đó là khía cạnh hiệp thông. Ba ngôi cũng là cứu cánh của sứ vụ Hội thánh, làm sao cho toàn thể nhân loại được dẫn đến sự hiệp nhất với Ba ngôi (Ecclesia ad Trinitatem).

Bài này chú trọng đến khía cạnh “hiệp thông” (communio). Tuy nhiên, cần phải thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ. Trong tiếng Việt, có lẽ từ “hiệp thông” mới trở thành thông dụng khoảng chừng ba, bốn chục năm gần đây. Hiệp thông được dùng để dịch từ communio tiếng Latinh; nhưng danh từ này còn được dịch bằng nhiều từ khác nữa: “thông hiệp” (trong phụng vụ, lời chào đầu lễ vẫn dùng từ “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần), “thông hảo” (trong các thư chung của các giám mục), và xưa hơn nữa “thông công” (các thánh thông công); đối lại là “tuyệt thông” (dứt phép thông công). Ngoài ra, còn một từ ngữ rất quen thuộc được sử dụng hầu như mỗi ngày là “rước lễ” (hoặc: “hiệp lễ”) áp dụng cho việc rước Mình Thánh Chúa.

Như vậy, “hiệp thông” là gì? Trong tiếng Việt, đôi khi nó được hiểu như là “hiệp ý cầu nguyện”, hoặc “chia sẻ, cảm thông”. Nó có tương ứng với “communio” không? Thật khó trả lời, bởi vì trong truyền thống thần học, communio được áp dụng cho nhiều thực thể khác nhau:[6]

 – Communio trinitaria: Tam Vị là nguồn mạch, khuôn mẫu và mục tiêu của sự hiệp thông trong Giáo hội. Ý tưởng này gắn kết “hiệp thông” với “mầu nhiệm”: mầu nhiệm hiệp thông.

– Communio eucharistica: Trong bí tích Thánh Thể, người tín hữu hiệp thông với Đức Kitô và với Thân thể của Người. Tư tưởng này nêu bật chiều kích huyền nhiệm cũng như bí tích của sự hiệp thông.

– Communio sanctorum: sự hiệp thông với các thánh (sancti) nêu bật chiều kích cánh chung của Giáo hội.

– Communio fidelium: sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau do sự hiệp thông vào những kho tàng thiêng liêng (sancta) của Giáo hội (Lời Chúa, bí tích).

– Communio ecclesiarum: sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương với giáo hội phổ quát.

– Communio hierarchica: ý tưởng bình đẳng giữa các phần tử cần được kết hợp với ý tưởng cơ cấu phẩm trật của Giáo hội.

Chính vì communio mang nhiều ý nghĩa khác nhau cho nên dễ bị lạm dụng hoặc bị hiểu lầm. Không lạ gì mà Bộ Giáo lý Đức Tin đã phát hành một bức thư để giải thích ý nghĩa chính xác.[7] Khái niệm này bao gồm các yếu tố siêu nhiên cũng như các yếu tố hữu hình.

Trong lãnh vực đang bàn, chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào hai khía cạnh: communio ecclesiarum và communio charismatum. Hai khía cạnh này là đề tài cho hai đoạn kế tiếp, bàn về tác vụ giám mục và đặc sủng đời sống thánh hiến.

2/ Tác vụ giám mục

Trước đây, người ta hình dung Giáo hội giống như một quốc gia, đứng đầu là giáo hoàng (quốc trưởng), được phân thành các đơn vị hành chánh nhỏ hơn (giáo phận) được quản trị bởi các giám mục do trung ương bổ nhiệm.

Thế nhưng, đến khi trở về Tân ước và truyền thống, ta thấy danh từ “Giáo hội” (ecclesia) không chỉ áp dụng cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu (dùng ở số ít: 1 Cr 6,4; 10,17.32; 12,28; 14,4.5.12; 15,9; Gl 1,13; Pl 3,6; Ep 1,22; 3,10.21; 5,23.24.25.27.29.32; Cl 1,18.24), nhưng còn được áp dụng cho các cộng đoàn tín hữu họp tại một nơi nào đó, tựa như một vùng, một thành phố (1 Cr 1,2; 11,16.22; 2 Cr 1,1; 1 Tx 2,14), thậm chỉ ở một tư gia (Rm 16,5; 1 Cr 16,19b; Cl 4,15). Hiểu theo nghĩa này, ecclesia được dùng ở số nhiều. Nói theo ngôn ngữ thần học, Giáo hội được hiểu như Giáo hội phổ quát cũng như Giáo hội địa phương. Có sự gắn kết giữa hai nghĩa ấy. Giáo hội “phổ quát” hình thành như là sự hiệp thông giữa các giáo hội “địa phương”. Giáo hội địa phương không chỉ là một đơn vị hành chánh của Giáo hội phổ quát, nhưng thực sự là Giáo hội đúng nghĩa. Đoạn văn đánh dấu một quan niệm mới của Vaticanô II là Lumen gentium số 23: “Mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo hội địa phương của mình vốn được hình thành theo hình ảnh Giáo hội phổ quát, chính nhờ và trong các Giáo hội này mà có một Giáo hội công giáo duy nhất” (Episcopi autem singuli visibile principium et fundamentum sunt unitatis in suis Ecclesiis particularibus ad imaginem Ecclesiae universalis formatis, in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia catholica exsistit).

Mỗi Giáo hội địa phương thực sự là Giáo hội. Đúng thế. Tuy nhiên, Giáo hội địa phương không khép kín, nhưng mở rộng sự thông hiệp đến các Giáo hội khác: Giáo hội địa phương được hình thành theo hình ảnh Giáo hội phổ quát, và Giáo hội phổ quát hiện hữu trong Giáo hội địa phương. Khỏi nói ai cũng biết sự căng thẳng rất dễ xảy ra trong tương quan giữa “địa phương” và “phổ quát”. Đức giám mục thực sự là mục tử của Giáo hội địa phương (chứ không phải là đại diện của Giáo hoàng). Ngài thực sự thi hành chức vụ của mình như là thầy dạy đạo lý, tư tế cổ động việc phụng tự và thánh hóa, phục vụ sự hợp nhất trong giáo phận (x. Giáo luật [viết tắt: GL] 375). Đồng thời, ngài không được quên rằng mình là thành phần của tập đoàn giám mục, mang trách nhiệm liên đới đối với sứ mạng loan báo Tin mừng cho toàn thế giới.

3/ Đặc sủng của đời sống thánh hiến

Tông huấn Vita consecrata của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (ngày 25-3-1996) đã trình bày ơn gọi đời sống thánh hiến theo ba chiều kích “mầu nhiệm (thánh hiến) – hiệp thông – sứ vụ” trong ba chương của văn kiện.

a) Chiều kích thánh hiến muốn nói rằng ơn gọi đặc thù của họ là nêu bật sức sống và sự thánh thiện của Giáo hội, qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin mừng họa lại nếp sống của Đức Kitô. Vì thế, không thể nào chỉ coi các tu sĩ như là những “thợ làm việc” để đáp ứng các nhu cầu mục vụ.

b) Chiều kích hiệp thông, dựa theo khuôn mẫu hiệp thông của Ba ngôi Thiên Chúa, được biểu lộ qua nhiều cấp độ: hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn; hiệp thông với Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương; hiệp thông giữa các dòng tu với nhau; hiệp thông với các giáo dân. vv.) Chiều kích sứ vụ không thể tách rời khỏi chiều kích thánh hiến, theo gương Đức Kitô (Ga 10,36). Các người tận hiến được sai vào thế gian để phục vụ tình yêu. Điều mà Giáo hội và nhân loại mong đợi hơn cả nơi sứ vụ của họ là đời sống thánh thiện và đời sống huynh đệ, được biểu lộ qua những môi trường khác nhau.

Chúng ta dễ nhận ra không ít căng thẳng trong mô hình này.

– Căng thẳng giữa thánh hiến và sứ vụ. Nói cách nôm na là sự căng thẳng giữa chiêm niệm và hoạt động ngay trong cuộc sống của mỗi tu sĩ và hội dòng.

– Căng thẳng giữa các đặc sủng khác nhau. Mỗi hội dòng có đặc sủng riêng; do đó, không thể nào bắt buộc tất cả các dòng phải đi theo một đường hướng hoạt động như nhau. Sự hợp nhất trong Giáo hội cần được dung hòa với sự đa dạng của các đặc sủng.

– Căng thẳng giữa địa phương và phổ quát. Tuy đôi khi có những dòng được thiết lập để đáp ứng nhu cầu của một giáo phận, nhưng bản tính của đặc sủng thánh hiến là nó nhắm thiện ích của toàn thể Hội thánh. Điều này mới được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong tự sắc Authenticum charismatis (ngày 1-11-2020) khi đòi hỏi các giám mục phải có sự ưng thuận của Tòa Thánh trước khi ký sắc lệnh thiết lập một hội dòng.

B. Những quy tắc pháp lý

Những nguyên tắc thần học vừa nói trên được diễn tả qua quy tắc pháp lý, và được trình bày trong bộ Giáo luật 1983. Dĩ nhiên, nhà lập pháp không thể dự liệu tất cả mọi hoàn cảnh, lại càng không hy vọng giải quyết những căng thẳng đã được nêu trên đây.

Chúng tôi xin phân chia các quy tắc pháp lý thành hai mục: 1/ Giám mục với đời sống thánh hiến; 2/ Các dòng tu với giám mục giáo phận.

1/ Giám mục với đời sống thánh hiến

a) Trước hết, chúng ta cần nêu bật trách nhiệm của nhà chức trách Giáo hội nói chung (bao gồm cả Giáo hoàng cũng như tập đoàn giám mục) liên quan đến đời sống thánh hiến, được GL 576 tóm vào 4 điểm như sau: (i) Giải thích các lời khuyên Phúc âm; (ii) Ban hành những quy luật chi phối việc thực hành các lời khuyên Phúc âm; (iii) Thiết lập những hình thức bền vững cho việc sống các lời khuyên đó qua việc phê chuẩn những Hội dòng; (iv) Lo liệu để các Hội dòng được thăng tiến và phát triển hợp theo tinh thần của các vị Sáng lập và truyền thống lành mạnh.

b) Trong việc phân phối thẩm quyền giữa giáo hoàng và giám mục giáo phận, quyền hạn của giám mục bị hạn chế bởi Tòa Thánh ở những trường hợp sau đây:

– Sự miễn trừ. Theo GL 591 “Để lo liệu thiện ích của Hội dòng và các nhu cầu của việc tông đồ cách hoàn hảo hơn, Đức Thánh Cha, chiếu theo quyền tối thượng trên toàn Giáo hội và xét đến lợi ích chung, có thể miễn trừ các Hội dòng tận hiến khỏi quyền cai trị của các Bản Quyền sở tại, và đặt họ trực tiếp tùy thuộc một mình ngài hay một nhà chức trách khác trong Giáo hội”.

– Tòa Thánh còn dành cho mình thẩm quyền quyết định trong những vấn đề: (i) Được tham khảo ý kiến khi lập Dòng mới (GL 579). (ii) Phê chuẩn những hình thức tu trì mới (GL 605). (iii) Sáp nhập và thống nhất; liên kết và liên minh các Hội dòng (GL 582). (iv) Giải tán một Hội dòng (GL 584) hay tu viện duy nhất của Hội dòng (GL 616 §2). (v) Cho phép thi hành một nghiệp vụ vượt quá số tiền đã được ấn định cho mỗi vùng, hoặc liên can tới một đồ vật đã dâng cúng cho Giáo hội nhằm thực thi một lời khấn, hoặc nếu là đồ vật quý giá vì giá trị nghệ thuật hay lịch sử (điều 684 §5).

c) Đối với các dòng hiện diện trong giáo phận

– Trong trách nhiệm thánh hóa đoàn chiên, Giám mục không những phải lo làm gương sáng về các nhân đức, mà còn phải lo cổ động những ơn gọi tận hiến và nên thánh trong các Dòng tu. Giám mục phải tôn trọng đặc sủng của các Dòng tu và thúc đẩy các tu sĩ trung thành với ơn gọi của mình.[8]

– Tương quan giữa giám mục với các dòng tu thay đổi tùy theo là dòng giáo hoàng hay dòng giáo phận. Đối với các dòng giáo phận, giám mục được ủy thác việc săn sóc đặc biệt (GL 594), tuy vẫn phải tôn trọng quyền tự trị chính đáng của các dòng này trong việc quản trị nội bộ (GL 586). Dù sao, theo luật hiện hành, các giám mục không còn được coi là bề trên như trong luật cũ. Giáo luật chỉ dành thuật ngữ “bề trên tối cao” cho Giáo hoàng, cho dù là dòng thuộc giáo hoàng hay thuộc luật giáo phận (GL 590 §2).

2/ Các dòng tu với giám mục giáo phận

Các Dòng tu lệ thuộc giám mục giáo phận trong những điểm chính như sau: thiết lập; hoạt động; chấm dứt.

a) Thiết lập

Việc thiết lập có thể hiểu về cấp hội dòng hay cấp cộng đoàn:

– Thiết lập hội dòng. Các hội dòng giáo phận do giám mục giáo phận thiết lập sau khi được sự thỏa thuận của Tòa thánh (GL 590).

– Thiết lập cộng đoàn. Tất cả các dòng đều cần có sự thỏa thuận của giám mục mới có thể thiết lập cộng đoàn trong giáo phận (GL 609 §1).

b) Hoạt động

Nguyên tắc về mối liên hệ giữa các Dòng tu với các Giám mục được phát biểu trong điều 678 §1: “Trong các lãnh vực coi sóc các linh hồn, cử hành phụng tự công khai, và các hoạt động tông đồ khác, thì các tu sĩ phải tùy thuộc quyền của các Giám mục: họ phải tỏ ra lòng suy phục và kính cẩn (devoto obsequio ac reverentia) với các ngài”.

Nên lưu ý vài điểm sau. Điều 586 §1 đã nhấn mạnh rằng, các Dòng tu được hưởng sự tự trị chính đáng trong việc quản trị nội bộ, và các vị Bản Quyền có bổn phận tôn trọng cũng như bảo vệ sự tự trị ấy. Như vậy, nói chung thì các Giám mục không can thiệp vào việc điều hành nội bộ của các Dòng, cho dù chỉ là Dòng giáo phận. Sự lệ thuộc với Giám mục được đặt ra trong những hoạt động tông đồ bên ngoài: lúc đó các Dòng tu phải tuân theo đường lối mà Giám mục, với tư cách chủ chăn, đã quy định. Nhà lập pháp đã xác định rõ ba lãnh vực:

(i) Coi sóc các linh hồn (cura animarum). Đây là một từ ngữ cổ điển để nói về công tác của các giáo sĩ, cách riêng của các chủ chăn (giám mục và cha sở). Phạm vi của nó bao gồm các công tác giảng dạy, thánh hóa và cai quản; tuy rằng nhiều lần các tác giả chỉ giới hạn vào việc cử hành các bí tích.

(ii) Cử hành phụng tự công khai (exercitium publicum cultus divini). Việc phụng tự mang tính cách “công” do bản chất, xét vì nó là sự thờ phượng công của cả Giáo hội dâng lên Thiên Chúa. Thế nhưng, trong cách thức cử hành, phụng vụ có thể là công khai hay kín đáo, theo nghĩa là chỉ dành riêng cho cộng đoàn các tu sĩ hay mở cửa cho các giáo dân tham dự. Nếu việc cử hành phụng vụ chỉ dành riêng cho cộng đoàn tu viện, thì có thể theo nghi thức riêng của Dòng (kể cả sử dụng các ngôn ngữ cổ điển: Do thái, Hy lạp, Latinh); nhưng nếu phụng vụ được cử hành công khai với sự tham dự của các tín hữu, thì phải tuân theo những quy tắc của Bản quyền địa phương.

(iii) Các hoạt động tông đồ khác (alia apostolatus opera). Từ ngữ này bao hàm những hình thức hoạt động tông đồ chưa được nhắc tới trong hai lãnh vực trên đây, cách riêng các hoạt động bác ái về tinh thần hay thể xác.

Nên lưu ý là giáo luật còn phân biệt hai dạng thức công tác tông đồ: một thứ công tác là của riêng Dòng, và được điều hành theo luật riêng của dòng; một thứ khác là do giám mục ủy thác cho dòng, và được tiến hành theo như ý định của giám mục (GL 681 §1). Những nghĩa vụ và quyền lợi của đôi bên cần được xác định qua một hợp đồng (GL 681 §2).

Trong những phạm vi mà một dòng tu tùy thuộc giám mục, thì giám mục có quyền kinh lý. Điều 683 nói như sau:

§1. Trong thời gian kinh lý mục vụ hay trong trường hợp cần thiết, Giám mục giáo phận có thể, tự mình hay nhờ người khác, thanh tra các nhà thờ và nhà nguyện có giáo dân thường xuyên lui tới, các học đường và các cơ sở khác có tính cách tôn giáo và bác ái về tinh thần hay vật chất đã được ủy thác cho các tu sĩ. Nhưng Giám mục không được thanh tra các học đường chỉ dành riêng cho các học sinh của Dòng.

§2. Nếu nhận thấy có lạm dụng nào, và sau khi đã khuyến cáo Bề trên Dòng mà không có kết quả, thì Giám mục có thể dùng quyền hành của mình để đối phó.

c) Chấm dứt

 – Trước khi đóng cửa một tu viện, Dòng cần phải bàn hỏi Giám mục giáo phận (GL 616 §1).

– Giám mục không có quyền giải tán một hội dòng (dù là dòng giáo phận). Điều này thuộc thẩm quyền Tòa Thánh (GL 584).

Dù sao, khi thi hành các công tác tông đồ, các tu sĩ không chỉ tùy thuộc giám mục mà còn tùy thuộc các bề trên của mình. Các giám mục không nên bỏ qua việc thúc bách nghĩa vụ ấy, khi gặp hoàn cảnh (GL 678 § 2).

III. THỰC HÀNH

Trên đây là những quy tắc liên quan đến tương quan giữa giám mục và các dòng tu. Chúng tôi chỉ trình bày cái khái quát chứ không đi vào hết mọi chi tiết. Như đã có dịp ghi nhận, những căng thẳng không thể nào tránh được. Mặt khác, văn kiện “Những liên hệ hỗ tương” đề nghị vài đường hướng nhằm gíup cho mối tương quan ấy được thêm tốt đẹp, liên quan đến việc đào tạo, tham gia và đối thoại.

1/ Đào tạo. Một đề nghị thoạt tiên có vẻ xa vời, nhưng rất là thực tế, đó là các chủng sinh (mà tương lai sẽ là các cha xứ và giám mục) cần học hỏi về thần học và giáo luật về đời sống thánh hiến (Huấn thị Mutuae relationes [viết tắt: MR] 30). Đối lại, các tu sĩ cũng cần hiểu biết môi trường địa phương và các nhu cầu của giáo hội tại nơi họ hoạt động (MR 32).

2/ Tham gia. Các tu sĩ cần được tham gia vào sinh hoạt giáo phận, qua việc tham gia các hội đồng giáo xứ; hội đồng mục vụ và hội đồng linh mục ở cấp giáo phận (MR 55-56). Ngoài ra, ở cấp quốc gia, Văn kiện còn đề nghị thiết lập ủy ban hỗn hợp giữa các bề trên cao cấp (MR 63) để bàn về những vấn đề liên quan đến đôi bên, cũng như việc thiết lập ủy ban đặc trách đời sống thánh hiến với sự hiện diện của các tu sĩ tại Hội đồng giám mục.

3/ Linh đạo hiệp thông. Rất nhiều lần, từ “hiệp thông” được sử dụng trên cửa miệng, nhưng có lẽ ít khi được hiểu đến nơi đến chốn. Tông huấn Vita consecrata đã dành số 46 để bàn về linh đạo hiệp thông. Đề tài này được khai triển hơn trong tông thư Novo millennio ineunte (ngày 6-1-2001) từ số 42 đến số 46, đặc biệt là ở số 43:

Biến Giáo hội thành nhà và trường hiệp thông: đó là thách đố lớn giáp mặt chúng ta trong ngàn năm đang bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Chúa và đáp ứng những ước mơ sâu xa nhất của thế giới.

Nhưng điều đó có nghĩa gì trên thực tế? Ở đây cũng vậy, ý nghĩ chúng ta hướng ngay tới việc phải làm, nhưng đó không phải là động lực đúng phải theo. Trước khi vạch ra những chương trình thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, làm cho linh đạo đó thành nguyên lý hướng đạo giáo dục bất cứ nơi nào huấn luyện các cá nhân và người Kitô hữu, bất cứ nơi nào đào tạo những kẻ phục vụ bàn thờ, những người tận hiến và những lao công mục vụ, bất cứ nơi nào xây dựng các gia đình và các cộng đồng.

Một linh đạo hiệp thông dạy cho biết trước tiên sự chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng suy nghĩ đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong phạm vi hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm, và do đó như “những người là thành phần của tôi”. Điều này cho chúng ta khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm giác những ước muốn của họ và chăm chú đến những nhu cầu của họ, hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận điều đó và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban: không những như là một hồng ân cho người anh người chị đã trực tiếp lãnh, mà còn như là “một hồng ân cho tôi”. Sau cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách “nhường chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) và chống chọi những cám dỗ ích kỷ thường hay bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương.

Chúng ta không nên có những ảo tưởng: nếu chúng ta không theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài để hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả. Chúng sẽ biến thành những cỗ máy không hồn, “những mặt nạ” hiệp thông hơn là những quyết định, nhưng điều đó không phải là chúng ít có ý nghĩa và kém thích hợp. Khoa thần học và linh đạo hiệp thông khuyến khích một sự đối thoại đầy hiệu quả giữa các Chủ Chăn và các tín hữu: một mặt liên kết họ ưu tiên trong tất cả những gì thiết yếu, và mặt khác đưa họ tới sự đồng thuận có cân nhắc trong các vấn đề mở rộng cho bàn cãi.

Muốn đạt mục đích này, chúng ta cần làm như của riêng mình sự khôn ngoan mục vụ ngày trước, sự khôn ngoan đó khuyên các vị mục tử lắng nghe rộng rãi hơn toàn Dân Chúa, mà không thiệt hại gì đến uy quyền của mình. Thật ý nghĩa lời thánh Bênêđitô nhắn nhủ Viện Phụ của một đan viện, người mời ông ấy hỏi ý kiến ngay cả những thành phần trẻ nhất trong cộng đoàn: “Nhờ Chúa soi sáng, thường một người trẻ hơn lại biết điều hay nhất”.[9] Và Thánh Paulinus thúc giục: “Chúng ta hãy nghe điều giáo dân nói, bởi vì trong mỗi một người đó Thần Khi Chúa thổi hơi”.[10] 

Khi sự khôn ngoan lề luật, bằng cách cung cấp những quy tắc chính xác cho sự tham dự, làm chứng cho cấu trúc phẩm trật của Giáo hội và đẩy xa mọi chước cám dỗ dẫn tới những chuyên quyền hay là những thỉnh nguyện bất công, linh đạo hiệp thông, nhờ thúc giục một sự tín cẩn và cởi mở hoàn toàn phù hợp với phẩm giá và trọng trách của mỗi thành phần Dân Chúa, làm cho thực tại cơ chế có một linh hồn.

KẾT LUẬN

Theo tập san Vida nueva (Madrid, Tây ban nha) ngày 20-7-2020, một phiên bản mới của Mutuae relationes đã được soạn thảo và sắp công bố.[11] Không hiểu vì lý do gì mà 3 năm sau, người ta vẫn chưa thấy mặt nó. Lý do cần cập nhật Mutuae relationes đã quá rõ, không những bởi vì nó đã được 45 tuổi đời, mà từ đó đến nay, nhiều văn kiện mới đã được ban hành (chẳng hạn bộ Giáo luật 1983, Tông huấn Vita consecrata). Theo nguồn thông tin vừa nói, văn kiện mới muốn bao gồm tất cả mọi hình thức thánh hiến (Dòng tu, tu hội đời, tu đoàn tông đồ, các ẩn sĩ, các trinh nữ và quả phụ thánh hiến, các hiệp hội giáo dân cam kết ba lời khuyên Phúc âm). Dưới khía cạnh thần học, cần phải nhắc đến tư tưởng “các ân huệ phẩm trật và các ân huệ đặc sủng đều thuộc về bản chất của Hội thánh”, được đề cập trong một lá thư Iuvenescit Ecclesia của Bộ Giáo lý Đức Tin (ngày 15-5-2016).

Dù sao, bên cạnh các quy tắc pháp lý cần được cập nhật, thiết tưởng những nền tảng thần học về Giáo hội như là hiệp thông và sứ vụ vẫn còn giá trị bền vững. Duy có điều là không dễ gì mang ra thực hành “linh đạo hiệp thông” như vừa giải thích trên đây.[12]

Nguồn: hdgmvietnam.com

* * *

Thư mục

Etienne Richer, “Mutuae relationes: portée juridique et impact d’une instruction romaine postconciliaire”, in: Bulletin de Littérature ecclésiastique, 2014, CXV (1), p. 97-114.

Roberto Serres López de Guereñu, “Mutuae relationes: perspectiva canónica”, in: Tabor. Revista de Vida Consagrada, Nº. 28-30, 2016, págs. 278-308.

Kanu Ikechukwu Anthony, (ed.), Consecrated Persons and Mutual Relations: The Dynamics of Collaboration within the Ecology of Mission, Conference of Major Superiors of Nigeria (Men), Nigeria 2017.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)

[1] X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, các số 917-930.

[2] X. Phan Tấn Thành, “Nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam”, trong Thời sự thần học số 66 (tháng 11/ 2014), trang 47-86.

[3] “Relaciones entre Ordinarios de lugar y Religiosos”, in: Vida Religiosa 38 (1975) 335-345.

[4] Bản dịch tiếng Việt được đăng trong: Theo Chúa Kitô. Những văn kiện đời tu, tập I (Lm Giuse Nguyễn Tất Trung chủ biên), NXB Tôn giáo 2021, trang 353-405.

[5] X. Bản tường trình kết thúc khóa họp ngoại thường của Thượng Hội đồng Giám mục (ngày 7-12-1985), với các đề tài như sau: Mầu nhiệm Hội thánh – Hội thánh như là hiệp thông – Sứ vụ Hội thánh trong thế giới.

[6] Theo tầm nguyên, “communio” tiếng Latinh gồm bởi cum (với) và unio (hợp nhất), nhưng có người lại cho rằng nó gồm bởi cum (với) và munus (nhiệm vụ); hoặc là cum và moenus (phòng thủ, pháo đài); cả hai nguyên gốc này nói lên sự liên đới, đồng trách nhiệm. Chúng ta cũng thấy những từ cùng họ hàng với nó là communis, communitas, communicatio. Dù sao, từ communio được dùng dịch tử koinonia tiếng Hy-lạp. Đây là một danh từ trừu tượng, gốc bởi koinos có nghĩa là “chung” (đối lại với idios: riêng tư, đặc thù). Động từ koinonein có nghĩa là tham gia, dự phần.

[7] Congregatio Pro Doctrina Fidei, Litterae “Communionis notio”, ad Catholicae Ecclesiae episcopos de aliquibus aspectibus Ecclesiae prout est communio, (28-5-1992), in: AAS 85 (1993) pp. 838-850.

[8]  Mutuae Relationes số 8-9; 52; GL điều 586; 678 §2. Tông huấn TH số 48-50.

[9] Regula, III, 3: “Ideo autem omnes ad consilium vocari diximus, quia saepe iuniori Dominus revelat quod melius est”.

[10] “De omnium fidelium ore pendeamus, quia in omnem fidelem Spiritus Dei spirat”: Epistola 23, 36 ad Sulpicium Severum: CSEL 29, 193.

[11] https://www.vidanuevadigital.com/2020/07/10/el-vaticano-publicara-una-instruccion-que-regulara-las-relaciones-entre-religiosos-y-obispos/

[12] Đoạn văn bàn về linh đạo hiệp thông trong Tông thư Novo millennio ineunte số 43 được lặp lại ở số 22 của Tông huấn Pastores gregis (ngày 16-10-2003) của ĐTC Gioan Phaolô II số 22 về tác vụ Giám mục.