Các bài suy niệm Chúa Nhật 32 Thường Niên A (Nhiều tác giả)
Lời Chúa: Kn. 6, 12-16; 1Tx. 4, 13-18; Mt. 25, 1-13
1. Trinh nữ khôn ngoan – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Đám cưới là một sinh hoạt bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh hoạt bình thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này, Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn là trinh nữ. Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta mấy chân lý về Nước Trời.
Hạnh phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương, linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.
Con người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý. Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.
Mọi người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể. Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.
Nhưng ai có đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.
Các con Thiếu Nhi Thánh Thể thân mến,
Thánh Thể vốn là một bữa tiệc Chúa Giêsu mời gọi ta vào dự. Được dự tiệc Thánh Thể là được đồng bàn với Chúa. Thánh Thể là bữa tiệc hạnh phúc vì trong Thánh Thể Chúa yêu thương hiến mình cho ta. Thánh Thể là bữa tiệc đem lại sự sống đời đời. Thánh Thể là bữa tiệc cưới trong đời ta được kết hiệp nên một với Chúa. Thật hạnh phúc cho ta.
Vì yêu thương, nên Chúa Giêsu cũng đã từ trời xuống thế tìm ta. Để được con người Chúa đã phải trải qua biết bao vất vả khó nhọc. Nhất là phải chịu nhục nhã và chịu chết nữa. Hôm nay Chúa vẫn ở trong nhà chầu chờ đợi ta.
Trong nhà thờ luôn có ngọn đèn chầu. Khi không có ai thờ phượng Chúa, thì có ngọn đèn chầu lúc nào cũng thắp sáng để thờ phượng Chúa. Thiếu Nhi Thánh Thể nguyện là những ngọn đèn chầu ơ bên cạnh Chúa. Mỗi khi các con đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, các con trở nên những ngọn đèn chầu. Càng có nhiều ngọn đèn chầu và những ngọn đèn chầu càng sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.
Ngọn đèn chầu của các con được sáng lâu và sáng mạnh là nhờ các con sống bí tích Thánh Thể. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống để tuân theo thánh ý Đức Chúa Cha, Thiếu Nhi Thánh Thể hãy luôn yêu mến và làm theo ý Chúa. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống vì tha nhân. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết yêu mến mọi người. Như Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết khiêm tốn phục vụ mọi người. Như Chúa Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng mọi người. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết chia sẻ cơm áo với những người nghèo, viếng thăm an ủi những người buồn khổ. Thực hành bí tích Thánh Thể là chất dầu giữ cho ngọn đèn tâm hồn các con luôn cháy sáng. Với ngọn đèn cháy sáng trên tay, các con sẽ an ủi Chúa Giêsu Thánh Thể và khi Chúa đến, các con sẽ cầm đèn cháy sáng cùng Chúa vào tham dự hạnh phúc Nước Trời.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Dụ ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?
2- Bạn chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?
3- Chúa đến bất ngờ. Điều này dạy ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa.
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Nhận diện Chú Rể ngày cưới…
Dụ ngôn vẫn được quen gọi là ‘mười trinh nữ’ nằm trong số các dụ ngôn được tác giả Mát-thêu dồn vào hai chương 24 và 25 của sách Tin Mừng khi ngài đề cập tới thời đại cánh chung, đồng thời kêu gọi giữ thái độ luôn sẵn sàng. Sẵn sàng không chỉ như một tư thế chung chung, như khi chuẩn bị làm một công việc nào đó; ở đây nó được so sánh với chờ mong để nhận diện và đón tiếp một nhân vật. Nhân vật này, trong nhiều dụ ngôn khác, được sánh với ông chủ, ông vua, hay một bậc vị vọng quyền quí đi xa về, thì trong dụ ngôn này lại mang bộ mặt một chú rể. Mười trinh nữ cầm đèn sẵn sàng nhận diện chú rể trong ngày cưới (đúng hơn đêm cưới) hẳn phải hàm chứa một nội dung nào đó hết sức quan trọng: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể”.
Như vậy chú rể chính là Con Người quang lâm trong ngày sau hết của Mt 24:37, có nghĩa là trong ngày quang lâm Con Người sẽ có khuôn mặt rạng rỡ của một chú rể ngày cưới. Khuôn mặt chú rể ngày cưới không thể mang bộ tịch của một ông hoàng thịnh nộ, không thể có điệu bộ nghiêm khắc của một quan tòa xét xử… Chú rể ngày cưới sẽ là khuôn mặt rạng rỡ yêu thương, thâm chí say đắm trong yêu đương, và Kitô hữu chúng ta phải là những người đầu tiên nhận diện được khuôn mặt đó. Ngọn đèn các trinh nữ cầm trong tay và thắp sáng lên chính là để làm công việc nhận diện này: giữa đêm tối, họ phải là những người đầu tiên nhận ra khuôn mặt say đắm yêu đương của Chú Rể, và soi cho mọi người được biết để cùng nhận ra, và tiến vào bữa tiệc cưới Nước Trời.
Trong ngày rửa tội ngọn đèn đức tin của mỗi tín hữu đã được thắp lên. Ngọn đèn này trước nhất phải soi sáng để chúng ta nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Bí tích rửa tội Tân Ước không mang nội dung chính là dục lòng thống hối ăn năn để được xóa sạch mọi tội lỗi, nhưng là để nhận biết Thiên Chúa cứu độ và từ nhân. Rửa tội không chỉ biến tôi thành một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn, trao cho tôi ngọn đèn thắp sáng để tôi tham gia vào cuộc đón rước Chú Rể. Bao lâu ngọn đèn còn cháy sáng, bấy lâu tôi còn có thể nhận diện được Người trong đêm tối. Chú Rể có thể đột ngột xuất hiện, Người có thể tới từ bất cứ đâu, vào bất cứ giờ giấc nào… “Chú rể kia rồi, ra đón đi”, thì tôi vẫn luôn luôn nhận ra Người với nét yêu thương không thể nhầm lẫn.
Thế nhưng ngọn đèn này vẫn có thể bị tắt ngúm bất cứ lúc nào vì cạn dầu. Cho dầu có là một Kitô hữu đạo đức tốt lành (như hình ảnh các trinh nữ đi đón chàng rể) tôi vẫn luôn có nguy cơ không nhận diện được Thiên Chúa tình yêu, Người Cha yêu thương khi Ngài đến. Tự nó, việc nhận ra một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, cao sang sẽ không là quá khó. Cựu Ước và rất nhiều tôn giáo khác (như Hồi Giáo chẳng hạn, với sự tôn trọng tuyệt đối dành cho Đấng Allah), thậm chí một nền triết học thuần túy, cũng có thể đạt tới trình độ này. Cho dầu việc suy tôn đó có hoàn toàn đúng, thì diện mạo Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô cất công xuống thế để loan truyền lại giống với dung mạo một chú rể hơn: Chú Rể rạng rỡ yêu đương. Kitô hữu phải là các trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể này. Thế nhưng éo le thay, ngọn đèn nào thì cũng có thể bị tắt, nhất là khi cạn dầu giữa đêm hôm; vậy thì dầu đó là gì, chúng ta tự hỏi? Tông đồ Phao-lô khảng định không có Thần Khí thì chẳng có nghĩa tử, thì chẳng ai có thể kêu lên với Thiên Chúa ‘Ab-ba, Cha ơi!’ (Rm 8:15-16). Như vậy có nghĩa là ngay cả các Kitô hữu có thể tay vẫn cầm ngọn đèn nhưng lửa thì đã tắt vì cạn dầu nên chính họ giữa đêm khuya không thể nhận ra dung mạo đúng của Chú Rể… Và rồi thì cánh cửa tiệc cưới yêu thương sẽ đóng lại, tiếng Chú Rể vọng ra “Tôi không biết các cô là ai cả!”, vì điều quan trọng hơn cả đối với các trinh nữ Kitô hữu này sẽ không là gì khác hơn nhận dạng ra, và đón tiếp Chú Rể của tiệc cưới yêu thương.
Câu chuyện dụ ngôn này đưa một Kitô hữu như tôi đi đến kết luận: sống như một trinh nữ (luân lý tốt lành, đạo hạnh) là điều tốt đẹp và cần thiết, nhưng chưa hẳn là chính yếu. Điều hệ trọng hơn cả vẫn luôn là “vừa mang đèn, vừa mang chai dầu theo” để duy trì nơi tôi khả năng nhận dạng Chú Rể và đón tiếp Người bất cứ lúc nào và nơi đâu Người đến. Hội Thánh qua các bí tích (nhất là bí tích Rửa tội, Giải Tội, Thánh Thể và Sức Dầu bệnh nhân…), không chỉ nhằn giúp tôi giữ cho mình được sống như một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm tuôn đổ dầu Thánh Thần trên tôi hầu có thể nhận ra diện mạo Chú Rể tiệc cưới. Và nếu Chú Rể có bất chợt tới giữa đêm khuya tăm tối đi nữa (và đêm khuya đó rất có thể là hình ảnh tình trạng tâm hồn tội lỗi của tôi và của nhân loại), đèn tôi vẫn chưa tắt vì còn đầy dầu Thánh Thần, điều làm tôi nhận ra ngay được dung mạo nhân từ của Người, và cùng “đi theo người vào dự tiệc cưới”.
Lạy Chúa là Chú Rể tiệc cưới Nước Trời, trong mọi biến cố cuộc sống, khi Chúa bất chợt đến dưới bất cứ hình thức nào và cả giữa đêm đen tối tăm nhất, xin cho con ơn luôn cầm trong tay ngọn đèn cháy sáng với dầu Thánh Thần để con nhận ra dung mạo Đấng Cứu Độ thân thương của con. Và nếu giờ chết bất chợt đến với con dưới bất cứ hình thức nào và trong trạng thái tâm hồn nào đi nữa, con chỉ xin Chúa cho con vẫn duy trì được khả năng nhận ra khuôn mặt đầy yêu thương của Chú Rể, và được theo vào gia nhập bàn tiệc cưới Nước Trời. Amen.
3. Sẵn sàng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’ (Mt 25,8).
Khởi đầu sự sống, mỗi một loài thụ tạo chấp nhận một định mệnh riêng biệt và độc lập. Chúng ta không có quyền chọn lựa cho sự khởi đầu hiện hữu. Được sinh ra ở đời là một hồng ân cao cả. Bước vào cuộc sống đa dạng, chúng ta cùng đồng hành với tha nhân trên cùng một khoảng đường, theo một lý tưởng và bị giới hạn trong một thời gian và không gian. Số mệnh từng người gắn liền với cuộc sống ngay từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai trong cung lòng mẹ. Trong sự hiện hữu đó đã có tiềm ẩn chất chứa mọi khả năng và vốn liếng để sinh hoa kết trái. Mới đây tôi được nhìn xem chùm ảnh của nhiếp ảnh gia Thụy Điển Lennart Nilsson, ông đã dành 12 năm để tìm chụp những bức ảnh về việc thụ thai và phát triển thai nhi trong tử cung người mẹ. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng cuộc sống của tôi đã trải qua những chu kỳ phát triển nhiệm mầu như thế. Không ai có thể giải thích tiến trình hình thành con người được.
Tin tưởng mọi sự đều nằm trong sự quan phòng của Tạo Hóa. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao lại có người giầu, kẻ nghèo và người dại, người khôn? Khôn dại do bẩm sinh hay do thái độ chọn lựa? Suy gẫm bài Phúc âm về sự chuẩn bị của 10 cô trinh nữ, có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Mỗi cô phù dâu đều có dầu đèn mang theo bên mình để soi lối cho chính mình. Các cô không thể dựa dẫm vào người khác để vay mượn và mỗi người có trách nhiệm giữ đèn cho sáng để canh thức đợi chờ. Nói đến đèn cháy sáng là nói đến biểu tượng của đức tin. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, linh mục trao đèn sáng cho cha mẹ đỡ đầu và đọc lời nguyện: Ông bà anh chị, là những bậc cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho em nhỏ đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin, nhờ đó, khi Chúa đến, em được ra đón người với toàn thể các Thánh trên trời.
Mỗi người chúng ta đã được nhận lãnh ánh sáng đức tin. Đức tin cần được trau dồi, hun đúc và chăm nom bảo vệ như cô phù dâu lo lắng cho đèn dầu đầy đủ. Có đèn mà không dầu thì đèn trở thành vô ích. Cuộc sống đạo mà không có đức tin soi đường dẫn lối, thì chúng ta sẽ đi trong tối tăm và lạc hướng. Chúa ban cho mỗi người một khả năng để tự lo liệu. Chúng ta không thể dựa vào kết qủa lòng đạo của người khác khi ra trình diện trước mặt Chúa, như các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan: ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’ (Mt 25,8). Không được. Đức tin không thể cho vay mượn được. Mỗi người phải sống và thực hành đức tin của mình. Đèn cần dầu, cuộc sống Kitô hữu cần có đức tin. Đức tin là nhân đức đối thần và là ân sủng Chúa ban. Các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn cầu xin Chúa ban thêm đức tin: Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”(Lc 17,5). Trước những việc lạ lùng của Chúa, các môn đồ nhận biết sự yếu kém đức tin của mình. Các ngài không thể hiểu và khó có thể lãnh hội những điều Chúa truyền dạy. Chúa Giêsu phán: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17,6).
Tự vấn xem chúng ta thuộc vào nhóm các cô phù dâu khôn hay dại. Ai trong chúng ta cũng có đèn nhưng dầu dự trữ có được bao nhiêu. Xét mình trước mặt Chúa, chúng ta đã làm thế nào để chăm sóc, vun tưới và trau dồi cho đức tin của chúng ta? Chúng ta thường nhận lãnh các Bí Tích Hòa Giải và lãnh nhận lương thực bởi trời qua Bí Tích Thánh Thể, nhưng mấy khi chúng ta rà soát lại đèn dầu còn hay đã cạn. Theo Chúa là bước đi trong niềm tin phó thác. Chúng ta đừng tưởng lầm rằng mình đã gặp gỡ Thiên Chúa một cách hữu hình cụ thể nơi một vài sự kiện lạ hay hình thức lạ là đủ cho đời sống đạo. Sống đạo là hành trình của đức tin. Đôi khi chúng ta còn phải lần mò trong đêm tối. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những kẻ có niềm tin: Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! (Ga 20,29).
Tại sao trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta phải tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính? Hoặc sau mỗi lần linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu đã xướng lên: Đây là mầu nhiệm đức tin. Đức tin là đèn soi và là chỗ tựa vững chắc. Đã nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhủ các môn đệ khi thuyền gặp cơn bão: Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!”. Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ (Mt 8,26). Các môn đệ lo lắng đủ điều trong cuộc sống mà quên sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã dậy: Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!(Lc 12,28).
Đức tin sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những khó khăn và gian truân của cuộc sống. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta đang sống giữa một xã hội đang chuyển mình đổi thay. Sự thay đổi quan niệm sống về mọi khía cạnh đạo lý, luân lý, triết lý và luân thường đạo lý. Văn hóa sự chết len lỏi vào mọi lãnh vực của đời sống. Ngay trong đời sống đạo cũng có những dành dật, lôi kéo, mơ hồ và đôi khi mê tín dị đoan chen lẫn. Không thiếu những mục tử giả dạng và dùng tài khéo để kéo lôi được nhiều người tin theo. Đối diện với trăm ngàn mối, chúng ta phải hết sức cẩn thận chọn lựa hướng đi cho mình. Nếu chúng ta sống trong sự thật và sống như con cái sự sáng giữa ban ngày, không ai có thể làm hại hay phê bình bắt bẻ chúng ta. Mọi cách thế áp dụng thực hành sống đạo cần minh bạch và rõ ràng. Chúng ta không cần biện minh tranh cãi mà cần sự tỉnh thức. Mỗi người có một cuộc sống và một đường để đi tới. Hãy giữ vững đức tin và chuẩn bị sẵn sàng: Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào. (Mt 25,13). Chúng ta không biết ngày giờ Chúa gọi, cách tốt nhất là đèn dầu sẵn sàng để khi Chúa đến, chúng ta cùng ra đón Ngài với đèn cháy sáng trong tay.
Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Các bị bô lão hay những trẻ em đều có một ngày mới giống nhau. Ai cũng phải đối diện với cái đang và sẽ xảy đến. Chúng ta không thể nói rằng năm nay tôi đã 70 hay 80 tuổi, tôi không còn phải lo lắng hay chuẩn bị gì nữa. Dù là tuổi nào, chúng ta vẫn đang trên đường lữ hành. Có người yên trí hơn vì nghĩ rằng họ đã có bảo hiểm nhân thọ và các thứ bảo hiểm khác cho cuộc sống. Chúng ta biết dù có bảo hiểm gì đi nữa, mỗi tối trước khi đi ngủ, ai cũng phải xem xét cửa rả then cài, chốt khóa và điện ga bếp núc on/off cẩn thận. Công việc rất đơn giản nhưng là một sự chuẩn bị rất cần thiết trong cuộc sống đời thường. Có nghĩa là dù tuổi nào chúng ta cũng phải ở tư thế sẵn sàng.
Chỉ có một con đường dẫn tới quê thật mà Chúa Giêsu đã mở: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6). Đi theo Chúa là đi vào con đường của sự thật. Chúa Giêsu đã nói với những người Do-thái và cả với chúng ta ngày nay: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 31-32). Điều mà mỗi người chúng ta phải luôn tỉnh thức là chúng ta đang ở đâu? Sống thế nào? Đặt niềm tin, niềm cậy và phó thác vào ai? Ai là Đấng mà chúng ta đang tôn thờ? Khốn khổ nhất là khi chúng ta mãn phần dưới thế và bước vào cuộc sống mai hậu, chúng ta đến trước tòa Chúa trình diện và xin Chúa mở cửa cho: Nhưng Người đáp lại: ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi’ (Mt 25,12). Vậy là bao công lao dã tràng và còn gì để nói. Chúng ta đã lỡ chuyến tầu.
Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc của sự dối trá. Người ta nói: Cây ngay không sợ chết đứng. Chúng ta cũng hiểu: Sự thật thì mất lòng nhưng rồi nói phải củ cải cũng phải nghe. Chúng ta cẩn thận đừng chọn thần tượng nào trong cuộc sống đời này. Ai trong chúng ta cũng chỉ là con người yếu đuối, tội lỗi và phàm tục. Chúng ta không thể vay mượn hay dựa vào uy tín của ai khác để kể công trước mặt Chúa. Khi đến giờ đã định, mỗi người chúng ta phải tự đứng trên chân của mình và chịu trách nhiệm về đời mình. Chỉ có một Đấng có thể cứu độ linh hồn chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài sẽ dẫn chúng ta đến nguồn sống tuyệt hảo là Chân Thiện Mỹ.
Lạy Chúa, xin thêm dầu đức tin để đèn của chúng con được luôn cháy sáng và giúp chúng con tiếp tục bước theo Chúa cho đến cùng. Xin Chúa đưa tay dẫn dắt chúng con về bến bình an.
Lời Chúa đề cập đến năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Thế nào là khôn ngoan và khờ dại?
Khôn ngoan theo Thánh kinh có hai chiều kích:
Theo chiều kích tự nhiên, khôn ngoan là một thứ nhận thức giỏi, thông minh, thận trọng và tài khéo để hướng dẫn cuộc sống đạt tới hạnh phúc chân thực. Đó là sự khôn ngoan của những nhà lãnh đạo có tài quản trị, những quân sư có tài giáo dục và thuyết phục, những hiền triết có tài lập ra những lý thuyết triết học, đạo đức, cũng như các nhà khoa học kỹ thuật có tài phát triển nền văn minh thế giới.
Tổ phụ Giuse vừa có tài kinh tế vừa có tài giải đáp những ước mơ của lòng người, đã được vua Ai cập chọn làm Thủ tướng. Môisê vừa có tài lãnh đạo vừa có tài thuyết phục kẻ thù cũng như đồng bào. Salomon được khen ngợi là “Người khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của tất cả người Trung đông và Ai cập” (1V. 5, 9-14).
Theo chiều kích siêu nhiên, khôn ngoan là ân ban của Thiên Chúa. Daniel đã chúc tụng Thiên Chúa là “Đấng ban khôn ngoan cho hạng khôn ngoan, ban trí thức cho người hiểu biết” (Dn. 2, 21). Khi mười hai tông đồ triệu tập các tín hữu lại để chọn bảy phó tế, các ngài đã nói: “Hỡi anh em hãy xét và chọn lấy giữa anh em bảy người được tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan” (Cv. 6, 3)
Sự khôn ngoan đích thực là sống theo luật Thiên Chúa “Luật Chúa làm cho Israel trở thành dân tộc khôn ngoan và thông thái” (Đnl. 4, 6). Ai yêu chuộng học hỏi và sống luật Chúa sẽ trở nên khôn ngoan: “Cố tổ tôi tên là Giêsu, hầu như hiến cả mạng sống vào việc đọc lề luật, các tiên tri cùng các sách của cha ông, đã nên quán xuyến, lão luyện và phát hứng biên soạn đôi điều liên quan đến giáo huấn và khôn ngoan” (Hc. 1, 7-12)
Luật Chúa chính là lời Chúa như mười giới răn Chúa ban trên núi Sinai. Chính lời Chúa mới là sự khôn ngoan và hạnh phúc thật. Tác giả Thánh vịnh 119 đã cảm thấy sự tuyệt diệu đó: “Lời Ngài là hạnh phúc đời con, lời Ngài là ánh sáng đời con, lời Ngài là chứa chan hy vọng, lời Ngài tôi quý hơn nghìn vàng muôn bạc, lời Ngài xin cứu sống tôi, lời Ngài là ơn cứu độ tôi” (Tv. 119, 72. 103-105. 154-155. 165). Lời khôn ngoan hạnh phúc chính là Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô (Ga 1. 1-14). Đức Giêsu đã xác nhận rõ mình là sự khôn ngoan tuyệt vời đó khi Ngài nói: “Trong cuộc phán xét nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên cùng với những người thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, mà đây còn hơn vua Salomon nữa” (Lc. 11,31). Cho nên Bài đọc I đã hô hào ta khao khát yêu chuộng đức khôn ngoan. Thức khuya dậy sớm tìm kiếm, suy niệm đức khôn ngoan thì sẽ được chiêm ngưỡng, gặp gỡ đức khôn ngoan, sẽ được minh mẫn toàn hảo, được đức khôn ngoan niềm nở xuất hiện và sẽ hết mọi nhọc nhằn, trút hết mọi lo âu (Kn. 6, 12-16)
Bài Tin mừng cho thấy năm cô khôn ngoan. Các cô đã được theo chàng rể vào dự tiệc cưới. Đây là tiệc cưới nước Trời muôn ngàn vinh quang rực rỡ, và hạnh phúc vô cùng.
Các cô đáng được hưởng hạnh phúc vinh quang đó vì các cô khôn ngoan biết lo chu toàn nghĩa vụ của mình, đã sửa soạn đầy đủ đèn dầu thắp sáng cho đám tiệc được vui mừng rực rỡ. Các cô đã coi trọng nhiệm vụ mình để tôn trọng chú rể, mong đợi giờ phút chú rể đến, dù bất cứ lúc nào, các cô đã sẵn sàng tất cả mọi sự, các cô có thiếp ngủ, các cô vẫn an giấc, không còn lo âu, áy náy sợ chi nữa. Chỉ cần có tiếng hô to là các cô thức dậy theo chàng rể vào dự tiệc cưới. Thánh Phaolô thấy giáo hữu Thessalonica đã khôn ngoan sống theo lời Chúa, nên ngài đã an ủi họ đừng có buồn phiền về người an giấc ngàn thu như những người không tin tưởng, những người khờ dại. Vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Chúa Giêsu… được ở cùng Chúa mãi mãi (Thes. 4, 13-18)
Trái lại, những kẻ khờ dại như năm cô đem đèn mà không có dầu. Những kẻ này quá tệ! Chúng lơ là lười biếng, thờ ơ nguội lạnh bỏ bê nhiệm vụ, chúng khinh thường những việc trọng đại như tiệc cưới, coi khinh chàng rể, xách đèn đi mà không coi gì tới đèn có dầu hay không. Sống quá bừa bãi, bê tha gì đâu đâu, còn chính nhiệm vụ quan trọng của mình lại không lo. Đối với hạng người bê bối này, chủ bảo: “Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô là ai cả”. Chúng đã không biết chủ, không kính trọng chủ, làm cho đám tiệc thiếu niềm vui vì thiếu ánh sáng, tối tăm, cho nên chúng đáng phải trong tối tăm. Khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần ban ra và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, những người chết trong Chúa Kitô sẽ được sống lại trong vinh quang với Chúa (Thes. 4,16), còn “những kẻ đã không làm cho chính Ta, sẽ bị đuổi vào chốn cực hình muôn kiếp” (Mt. 25, 46).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khôn ngoan tỉnh thức, luôn luôn sẵn sàng lo chu toàn ý chủ, chu toàn thánh ý Chúa trong mọi việc Chúa trao phó. Như thế, chúng con đã chứng tỏ được lòng trung tín tôn thờ và kính mến Chúa hết lòng. Xin đừng bao giờ để con dám bỏ bê khinh thường việc chuẩn bị đi đón Ngài, kẻo bị loại ra khỏi tiệc cưới nước Trời.
5. Để tránh việc “quá trễ” – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Dụ ngôn mười người trinh nữ mặc dầu rất phổ biến cũng là một trong những dụ ngôn khơi dậy nhiều biện giải thông thái nhất. Ở đây chúng ta giới hạn vào cách giải thích và vào một trong những suy tư rút từ truyền thống sống động của Giáo hội. Có phải Chúa dùng một việc thông thường làm căn bản cho dụ ngôn của Ngài hay không, một lễ cưới người ta có thể thấy luôn? Đúng, nhưng Ngài sắp đặt lại theo cách riêng để làm nổi bật điểm chính xác trong giáo huấn của Ngài: Mọi chi tiết trong dụ ngôn không tương ứng hẳn với cách cử hành các lễ người ta có thể thấy được, nhưng chúng được xếp đặt sao cho nổi bật sự cần thiết phải sẵn sàng để gặp gỡ Thiên Chúa. Bổn phận phải sẵn sàng có ý nghĩa gì và hậu quả ra sao?
1) Sẵn sàng có nghĩa là đã chuẩn bị đầy đủ. Nên lưu ý dụ ngôn không trách các cô đã ngủ, nhưng trách các cô đã không dự trù số dầu cho đủ. Các cô đã không chuẩn bị kỹ để ứng phó với tình thế. Áp dụng cho cuộc sống Kitô hữu, có thể nói việc chờ đợi Thiên Chúa (trong các ân huệ hàng ngày, hay khi Ngài đến ngày lâm tử) không đi đôi với sự chểnh mảng, nửa vời, đãng trí. Thiên Chúa luôn nhập bất thần vào cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi chúng ta phải giữ lòng ngay luôn sẵn sàng tiếp đón Ngài. Người ta sẽ thiệt hại rất nhiều nếu thiếp ngủ quên đi 1 thiếu sót về bác ái, một lầm lỗi của lương tâm, một khiếm khuyết trung thành. Cụ thể điều này kêu gọi chúng ta hãy sống mỗi giây phút cuộc đời với quyết tâm hết sức chu toàn tất cả bổn phận.
2) Sẵn sàng có nghĩa là lãnh trách nhiệm lo toan chứ không cậy dựa vào kẻ khác. Các cô khờ dại chắc có lẽ đã nghĩ, nếu thiếu dầu sẽ nhờ bạn các giúp. Trên bình diện Giáo hội, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, vì tình liên đới nối kết chúng ta. Nhưng có một mức độ cá nhân ở đó chúng ta là những kẻ duy nhất mang trách nhiệm về mình. Không ai có thể sớt cho chúng ta đức tin, đức cậy và đức mến mà chúng ta đã lơ là như các cô khôn ngoan ở vào hoàn cảnh không thể chia số dầu đem theo, không ai ở trong Giáo hội có thể san sẻ tương quan cá nhân riêng với Thiên Chúa. Sự trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa có thể được nâng đỡ nhiều trong việc các thánh thông công, nhưng các thánh không thể bổ khuyết trách nhiệm riêng của chúng ta.
3) Hậu quả những cố gắng trung thành của chúng ta rất lớn lao. Câu kết luận dụ ngôn thật đáng sợ: thật Ta nói cho các ngươi hay, Ta không biết các ngươi. Người ta vui mừng vì các trinh nữ sẵn sàng được vào phòng tiệc bao nhiêu, người ta lại sợ vì các cô đến chậm bị loại bấy nhiêu. Như thế có một cái “quá trễ” đè nặng trên định mệnh nhân loại. Nó nằm ở chỗ nào? Đây là một mầu nhiệm bất khả thấu. Chúng ta biết lòng nhân lành Chúa khôn cùng và dung thứ tự do nhân loại đến những giai đoạn cuối tận, nhưng có một lúc mọi sự đều chấm dứt. Chuẩn bị cho giờ phút mà chúng ta không biết, chúng ta cần sắp đặt sẵn sàng để đón tiếp Thiên Chúa tức thời, nếu Ngài đến tức thời và để chờ đợi Ngài nếu Ngài để chúng ta chờ đợi. Thiên Chúa đóng cửa không nhận con người sau những thiếu sót có hiểu biết và cố ý nào, chúng ta không cần phải tưởng tượng ra. Nhưng sự thực phải khiến chúng ta suy nghĩ. Điều ấy có thực.
Tờ báo Digest thuật lại tai nạn xe hơi xảy ra trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1994, nguyên do là cô Jacqueline 16 tuổi vừa nhận được bằng lái xe, nhân ngày nghỉ cô đã mời các bạn đi siêu thị, trong xe có 3 người bạn trai và một người bạn gái. Họ vui vẻ thuật lại cho nhau nghe về những thú vui của ngày lễ, vì quá vui nên Jacqueline đã để lạc tay lái, xe lao vào đường ngược chiều. Và bất ngờ một xe khác ngược chiều đã tông vào xe của cô, hậu quả là 4 người đều thiệt mạng.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy cái chết đến với cô Jacqueline và các bạn của cô rất bất ngờ. Họ không bao giờ nghĩ mình lên chiếc xe này rồi đi không bao giờ trở lại. Họ không ngờ Thiên Chúa đến với họ bất ngờ như vậy.
Thiên Chúa đã gọi cô Jacqueline và các bạn của cô đi cách rất bất ngờ, khi người ta không bao giờ nghĩ chuyện đó có thể xảy ra thì lại xảy ra. Cũng thế Thiên Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta cách bất ngờ như thế, vào lúc chúng ta không ngờ vào giờ chúng ta không biết. Do đó, mà hôm nay Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn mười cô trinh nữ để nói về việc thức tỉnh chờ ngày Chúa đến. Dụ ngôn này dựa theo phong tục cưới hỏi của người Palestin thờ Chúa Giêsu theo luật Môisen cưới hỏi không có tính cách tôn giáo như ngày hôm nay. Việc cưới hỏi thường làm về ban đêm. Năm bảy hôm trước ngày cưới, hai bên nhà trai nhà gái đãi tiệc bạn hữu của mình. Rồi ngày cưới hai họ nhập lại ăn uống ở bên nhà trai. Nghi thức quan trọng nhất là đêm rước dâu, chập tối chàng rể cúng các bạn phù rể, tay mang bó đuốc lên đường đi đến nhà gái, khi đó cô dâu và các bạn phù dâu sửa soạn đèn sẵn cho chàng rể đến. Khi mọi sự sẵn sàng đám rước dâu khởi hành. Về tới nhà trai là vào tiệc cưới ngay. Đèn các cô phù dâu phải đủ đốt chờ chàng rể đến, và phải thêm bình dầu để đốt khi ăn tiệc. Tại tiệc cưới đèn các cô phù dâu phải treo thành hình vòng hoa ánh sáng quanh cô dâu chú rể.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu ví mình như một chàng rể. Người sẽ đến lần thứ hai vào ngày phán xét để mở tiệc cưới và ban phúc thiên đàng cho loài người. Những người thức tỉnh và sẵn sàng sẽ được hưởng phúc. Những người chểnh mảng là những cô khờ dại sẽ bị loại ra ngoài. Thiết nghĩ qua dụ ngôn Chúa vẫn muốn mỗi người chúng ta là những người thức tỉnh và sẵn sàng. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi chúg ta phải biết chuẩn bị như năm cô khôn ngoan bằng cách:
Làm tròn trách nhiệm trong cuộc sống.
Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho những nến bạc, nén bạc sức khỏe, nến bác thời giờ và Ngài cũng không quên trao cho trách nhiệm để cộng tác với Ngài trên cuộc đời lữ hành. Ở đây chúng ta cũng thấy Thiên Chúa đã ban cho các cô khờ dại cũng như các cô khôn ngoan. Nhưng kết quả cuối cùng thì trái ngược nhau, các cô khôn ngoan “được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Còn các cô khờ dại thì phải ở bên ngoài. Ở đây không muốn nói đến sự khôn ngoan thức tỉnh theo kiểu người đời, nhưng là sự khôn ngoan vì Nước Trời. Sự khôn ngoan được thể hiện bằng hành động cụ thể, với một quyết tâm và thao thức muốn đón Chúa, muốn đợi Chúa. Và luôn sẵ sàng trả lời “Lạy Chúa, con đây” bất cứ lúc nào Ngài muốn.
Sẵn sàng như thế đòi hỏi chúng ta phải làm tròn trách nhiệm với Chúa, với bề trên, với anh em và cả với bản thân nữa… Năm cô khờ dại hôm nay đã biết đốt đèn thì cần phải có dầu, nhưng lại thờ ơ không mang theo. Nếu xét về trách nhiệm thì các cô khờ dại đã không làm tròn bổn phận được giao. Nhìn lại đời sống chúng ta, mỗi người đều được Thiên Chúa giao cho công việc “cầm đèn ra đón chàng rể”. Chắc chắn trong thâm tâm mỗi người đều muốn chuẩn bị, nhưng đôi khi ước muốn đó chỉ mới thể hiện ở lòng ao ước. Rồi ngày lại qua ngày, đến lúc “chàng rể đến” tôi vẫn không có dầu để đón chỉ vì tôi quá thờ ơ, vô tâm không chịu làm tròn trách nhiệm ngay ở giây phút hiện tại.
Sống trong ân sủng.
Các cô khôn ngoan đã đem dầu đầy đủ nên không cần phải lo sợ chàng rể đến cách bất ngờ nữa. Vì đả chuẩn bị đầy đủ và biết chắc chắn mình có đủ dầu. Ở đây muốn nói đến những người có đời sống đạo tốt thật sự, họ luôn sống trong ơn nghĩa Chúa để chờ ngày Chúa gọi về với Người. Một khi chúng đạt tới mức độ “ngụp lặn trong ân sủng” thì ngay cả cuộc sống đời này cũng không cảm thấy thiếu thốn, không thấy lo sợ va luôn được bìh an. Muốn được như vậy đòi mỗi người phải nỗ lực bản thân rất nhiều, đôi khi còn phải chấp nhận hy sinh từ bỏ để được sống trong ân sủng Chúa.
Lạy Chúa, trên cuộc sống lữ hành có rất nhiều chông gai ngăn cản con đến với Chúa, có nhiều quyến luyến cám dỗ làm con u mê. Xin Chúa cho con biết thức tỉnh để đón Chúa trong bất cứ giây phút nào trong đời con. Amen.
7. Ánh sáng không bao giờ bị dập tắt
(Suy niệm của Sr. Barbara E. Reid – Văn Hào SDB, chuyển ngữ)
“Những ai đã sẵn sàng, vào tham dự tiệc cưới (Mt 25,10).
Mỗi khi xuất hành đi đâu, tôi luôn chuẩn bị chu đáo. Tôi cẩn thận mang theo những vật dụng cần thiết cho cá nhân cũng như cho cả những người cùng đi với tôi. Tôi xem đó như một công việc phải làm, tựa như các cô trinh nữ khôn ngoan trong bài Tin mừng hôm nay. Tuy nhiên, khi đọc lại dụ ngôn, tôi thấy có điều gì hơi trái khoáy. Những cô gái đã chuẩn bị dầu và đèn để canh thức đón chàng rể, là những cô khôn ngoan, nhưng lại tỏ ra ích kỷ, không biết chia sẻ, khi các bạn thực sự đang có nhu cầu, vì đèn của họ chẳng còn chút dầu nào. Thay vào đó, các cô gái lại khuyên các bạn làm một công việc xem ra có vẻ ngốc nghếch và khó khả thi. Họ nói với các bạn giữa đêm khuya hãy ra hàng mà mua dầu để thắp sáng những ngọn đèn của mình. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận lối ứng xử, xem ra có vẻ ích kỷ và kỳ cục như vậy?
Tuy nhiên, nhiều nhà chú giải và bình luận Kinh Thánh nhắm đến một điều căn cơ khác quan trọng hơn. Sự ích kỷ không muốn chia sẻ của các trinh nữ khôn ngoan, không phải là một chi tiết quan trọng, cũng không phải là sứ điệp mà bài Tin mừng muốn nêu ra. Đây là dụ ngôn nói về ngày chung thẩm. Trong ngày đó, từng người sẽ bị xét định theo những việc làm tốt lành mà họ đã thực hiện hay đã sao lãng. Tương tự như thế, trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu cũng đã nói “Anh em hãy chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc tốt lành anh em làm và ngợi khen Thiên Chúa” (Mt 5,16). Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, dầu để thắp sáng những ngọn đèn được sánh ví như những công việc ngay lành, mà chúng ta không thể sẻ chia cho bất cứ ai khác.
Dầu sao, dụ ngôn vẫn đưa ra cho chúng ta sự đối kháng, khiến chúng ta cảm thấy nhức nhối khi giám định lại lương tâm nơi mỗi người. Đó là sự đối kháng giữa các phạm trù: Người khôn ngoan và kẻ khờ dại, những người biết chuẩn bị sẵn sàng và những người lơ đễnh, người được đón mời vào tiệc cưới và người khác lại bị từ chối, khi cửa đã khóa kín. Thánh Matthêu cũng nhiều lần nhắc đến những cặp phạm trù tương phản khác giống như thế để chúng ta so chiếu, ví dụ “ lúa tốt và cỏ lùng, chiên và dê, nhà xây trên đá và nhà xây trên cát, kẻ khôn ngoan và người khờ dại…”. Trong cuộc sống thực tiễn hằng ngày, con người của chúng ta dường như vẫn đang ở lưng chừng giữa những thái cực này. Vẫn còn đó một ít khờ dại, khi chúng ta đang cố vươn đạt tới sự khôn ngoan. Hoặc có lẽ ai chúng ta cũng biết phải chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sự sẵn sàng đó vẫn mãi chẳng bao giờ tròn vẹn.
Tuy nhiên, khi đọc lại đoạn văn trong bối cảnh của toàn thể Tin Mừng, chúng ta sẽ an tâm, không còn gì phải lo sợ. Bởi lẽ, dụ ngôn cũng đảm bảo cho chúng ta rằng, khi ta biết đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để đón vị Tân Lang và đi vào sự kết hợp thân tình với Ngài, cho dầu còn những khiếm khuyết, chúng ta vẫn là những con người đang chuẩn bị cho giờ phút viên thành sau hết. Chúng ta chờ đợi phút giây chung thẩm mang tính quyết định, để đón gặp Đấng mà chúng ta yêu mến, bằng những quyết tâm mỗi ngày để vươn lên, hoặc để cố gắng sống một cách ngay lành. Mỗi lần chúng ta châm đầy dầu vào ngọn đèn của chúng ta, cho dù không đủ dầu dự trữ để sẻ chia cho người khác khi họ cần đến, thì ánh sáng của Đức Kitô vẫn có thể làm ngập tràn ngọn đèn nơi ta, và chúng ta vẫn có thể chia sẻ ánh sáng đó cho anh chị em của mình.
Khi nói với Giám mục Isaac Nineveh thuộc thế kỷ thứ 7, về sự khôn ngoan linh thánh trong Thánh Kinh, John Shea đã diễn tả như sau “Như một ngọn đèn nhỏ được thắp lên bằng dầu, đến khi dầu đã cạn và ngọn đèn sắp tắt, hoặc như một con suối nhận nước mưa từ trời, khi trời hết mưa và dòng suối trở nên cạn kiệt, thì vẫn còn đó một tình yêu bất tận, như mạch nước vọt trào từ lòng đất, mạch nước đó sẽ mãi mãi không bao giờ khô cạn”. Những con người khôn ngoan là những người luôn biết kết hiệp chặt chẽ với dòng sông tình yêu của Đức Kitô, một dòng sông chẳng khi nào cạn kiệt. Dầu nơi ngọn đèn của họ sẽ không bao giờ vơi, và ngọn lửa sẽ không bao giờ lịm tắt. Như bài đọc thứ nhất hôm nay nói tới: Khôn ngoan chính là chúng ta ý thức rằng sức lực con người vốn mong manh và yếu đuối. Những cố gắng của chúng ta không đủ làm cho ngọn đèn nơi ta được thắp sáng lên mãi. Song, sự Khôn ngoan tự nó là một nguồn sáng không bao giờ mù tối, và sự Khôn ngoan vĩnh hằng đó sẽ tìm đến với chúng ta. Những cô trinh nữ đã canh thức suốt đêm khuya, chìm lặng trong bóng tối. Họ sẽ vui mừng khi ánh bình minh tỏa sáng và Đấng Khôn Ngoan vĩnh hằng vẫn đang ngồi bên cổng để đợi, để chờ. Ngài vẫn luôn ngong ngóng chờ đợi chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Vả lại, cánh cửa khép lại của phòng tiệc cưới không phải là một động thái cánh chung cuối cùng. Khi quyền năng của Thiên Chúa như một luồng sáng soi chiếu, phá tan phiến đá lấp che cửa mộ, thì Đấng Khôn Ngoan hằng hữu vẫn luôn luôn dùng tình yêu Ngài để mở toang cánh cửa tâm hồn chúng ta, biến ngọn đèn của chúng ta đang cạn dầu thành một ngọn đèn mãi luôn cháy sáng. Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta đến dòng sông huyền nhiệm, trong đó luôn tuôn chảy dồi dào mạch nước. Đó chính là mạch nước của ánh sáng và tình yêu không bao giờ vơi cạn.
8. Hãy giữ đôi mắt của các bạn luôn mở rộng.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chúa Giêsu rất thích những đám cưới, Người đã thực hiện phép lạ đầu tiên ở Cana, Người đã vui thích ám chỉ đến những bữa tiệc đám cưới như biểu hiệu của thiên đàng. Một trong những biếm hoạ về đám cưới thế tục là cô dâu đã đến trễ và để cho mọi người phải chờ đợi cô ta tại nhà thờ, nhưng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, chú rể là người đến trễ. Có một số điều buồn cười trong việc này, khi chúng ta thấy chú rể được giới thiệu đây chính là Chúa Giêsu. Chú rể đã đến trễ làm cho một nửa số cô phù dâu làm hết dầu của họ và chìm vào giấc ngủ. Chúng ta không biết họ suy nghĩ những gì, nhưng có vẻ là họ đã mất hết kiên nhẫn đối với chú rể, họ là những kẻ ngu đần. Những cô phù dâu khác thì không chỉ tỉnh thức mà họ còn mang theo đủ dầu cung cấp cho họ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng họ sẵn lòng chờ đợi chú rể bao lâu như chú rể muốn, họ là người khôn ngoan.
Bài Phúc Âm này giống như bao dụ ngôn khác là một bài Phúc Âm phức tạp trong chính ý nghĩa của nó. Khi chúng ta tiến gần tới cuối năm phụng vụ, sẽ kết thúc trong hai tuần tới, giải thích theo phụng vụ thì bài Phúc Âm là tận cùng của thời gian khi Đức Kitô sẽ đến một lần nữa trong vinh quang. Ngày đó không ai biết. Mọi thế hệ khôn ngoan của Kitô giáo, thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu thành Thessalonica, đã giới thiệu một sự chờ đợi cuộc trở lại của Chúa Giêsu cách kiên nhẫn. Chính chúng ta trong mọi Thánh Lễ tuyên xưng sau kinh Lạy Cha rằng, chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng “việc đến của Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.
Ngay trước khi rước lễ chúng ta nghe vị linh mục tuyên bố: “Phúc cho những ai được gọi đến dự tiệc bữa tối với Người”. Điều này không phải ám chỉ tới bữa tiệc ly trong quá khứ nhưng là bữa tiệc trên trời trong tương lai. Trích dẫn này được lấy trong sách Khải huyền đoạn 19 câu 9. Thánh Gioan trong một thị kiến đã thấy một đám cưới cao cả trên thiên đàng. Một thiên thần đã nói với ngài: “Hãy viết những điều này: phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Hãy chờ đợi cách kiên nhẫn bữa tối này, đó là sự khôn ngoan. Chúng ta được gọi là những người khôn ngoan trong khi chờ đợi việc ngự đến của Chúa. Bởi vì sự tận cùng của thời gian không còn bao xa. Có lẽ là đúng, có lẽ là không. Nếu Người không đến sớm, Thiên Chúa sẽ đến trong giờ chết của chúng ta. Đó là một khoảnh khắc nhìn hướng về phía trước với một niềm hy vọng vui mừng. Từ quan điểm của một con người và là điều khó để theo, tự nhiên chúng ta sợ sự chết và bám lấy cái sống và không giống như những cô phù dâu, chúng ta không vội vàng trong việc đợi chờ Chúa đến. “Thiên đàng có thể chờ đợi”, đó có thể là tâm tình của chúng ta. Chúng ta hãy chú ý tới điểm này của Phúc Âm đó là: chờ đợi, tỉnh thức sẵn sàng gặp Chúa khi nào Ngài đến.
Giáo Hội trong sách phụng vụ các giờ kinh đã khẩn nài chúng ta hãy sửa soạn cho cái chết vào mỗi đêm trước khi chúng ta đi ngủ. Và ngủ là một biểu tượng của sự chết. Như khi chúng ta đi ngủ, Giáo Hội đề nghị rằng chúng ta nên có tâm tình Chúa Giêsu khi Người sắp chết: “Lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Sự hiệp lễ là một sửa soạn cho sự chết. Một người Công Giáo khi sắp chết được chuẩn bị và hướng dẫn để lãnh nhận sự rước lễ như “của ăn đàng”, là thực phẩm cho một hành trình từ đời này đến đời sau. Ngay cả khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể qua việc hiệp lễ trong Thánh Lễ chúng ta hãy để tâm nghĩ đến sự chết, nhưng luôn luôn tin vào sự sống lại từ cõi chết của chúng ta. Khi đứng để lãnh nhận Thánh Thể đó là một dấu hiệu của đức tin. Hành vi đạo đức đó là “hãy giữ đôi mắt các bạn mở rộng vì các bạn không biết ngày nào, giờ nào”.
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Tháng 11, tháng cuối năm phụng vụ. Tại các nghĩa trang, người tín hữu thường đến thắp nhang, cắm cành hoa tươi, đọc kinh cầu nguyện trước phần mộ người đã qua đời.
Người còn sống cầu nguyện cho người đã chết. Người đã an giấc ngàn thu nhắn nhủ người đang sống về lý lẽ cuối cùng của cuộc sống làm người. Bầu khí phụng vụ tháng 11 hướng về cùng đích của cuộc sống làm người. Đó chính là Cánh Chung. Chúa Giêsu dùng hình ảnh đám cưới để nói về Cánh Chung. Đây là dịp của niềm vui chứ không phải là nổi buồn, hạnh phúc chứ không đau khổ.
Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay nói đến lễ cưới và các trinh nữ. Năm cô trinh nữ khôn ngoan với thái độ sẵn sàng và năm cô trinh nữ khờ dại với việc chểnh mảng ngu ngơ là những biểu tượng của những cách sống của con người (GLCG # 1950). Nếu ví cuộc đời là lữ quán thì chúng ta chỉ là những người khách trọ qua đường. Chúng ta phải có thái độ nào thích hợp đối với cuộc sống trần gian? (Lumen Gentium, 48, 50, 68; GLCG # 972).
Khôn ngoan hay khờ dại được đánh giá bằng việc con người có sẵn sàng và chuẩn bị hay không.
Khôn và dại theo Thánh kinh
Khôn ngoan theo Thánh kinh có hai chiều kích.
Tự nhiên: khôn ngoan là một thứ nhận thức giỏi, thông minh, thận trọng và tài khéo để hướng dẫn cuộc sống đạt tới hạnh phúc chân thực. Đó là sự khôn ngoan của những nhà lãnh đạo có tài quản trị, những quân sư có tài giáo dục và thuyết phục, những hiền triết có tài lập ra những lý thuyết triết học, đạo đức, cũng như các nhà khoa học kỹ thuật có tài phát triển nền văn minh thế giới.
Tổ phụ Giuse vừa có tài kinh tế vừa có tài giải đáp những ước mơ của lòng người, đã được vua Ai cập chọn làm Thủ tướng. Môisê vừa có tài lãnh đạo vừa có tài thuyết phục kẻ thù cũng như đồng bào. Salomon được khen ngợi là “Người khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của tất cả người Trung đông và Ai cập” (1V 5, 9-14).
Siêu nhiên: khôn ngoan là ân ban của Thiên Chúa. Daniel đã chúc tụng Thiên Chúa là “Đấng ban khôn ngoan cho hạng khôn ngoan, ban trí thức cho người hiểu biết” (Dn 2, 21). Khi mười hai tông đồ triệu tập các tín hữu lại để chọn bảy phó tế, các ngài đã nói: “Hỡi anh em hãy xét và chọn lấy giữa anh em bảy người được tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan” (Cv 6, 3)
Sự khôn ngoan đích thực là sống theo luật Thiên Chúa “Luật Chúa làm cho Israel trở thành dân tộc khôn ngoan và thông thái” (Đnl 4, 6). Ai yêu chuộng học hỏi và sống luật Chúa sẽ trở nên khôn ngoan: “Cố tổ tôi tên là Giêsu, hầu như hiến cả mạng sống vào việc đọc lề luật, các tiên tri cùng các sách của cha ông, đã nên quán xuyến, lão luyện và phát hứng biên soạn đôi điều liên quan đến giáo huấn và khôn ngoan” (Hc 1, 7-12)
Luật Chúa chính là lời Chúa như mười giới răn Chúa ban trên núi Sinai. Chính lời Chúa mới là sự khôn ngoan và hạnh phúc thật. Tác giả Thánh vịnh 119 đã cảm thấy sự tuyệt diệu đó: “Lời Ngài là hạnh phúc đời con, lời Ngài là ánh sáng đời con, lời Ngài là chứa chan hy vọng, lời Ngài tôi quý hơn nghìn vàng muôn bạc, lời Ngài xin cứu sống tôi, lời Ngài là ơn cứu độ tôi” (Tv 119, 72. 103-105. 154-155. 165). Lời khôn ngoan hạnh phúc chính là Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô (Ga 1, 1-14). Đức Giêsu đã xác nhận rõ mình là sự khôn ngoan tuyệt vời đó khi Ngài nói: “Trong cuộc phán xét nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên cùng với những người thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, mà đây còn hơn vua Salomon nữa” (Lc 11,31).
Người khôn ngoan là người nghe và sống lời Chúa. Người dại khờ là người chỉ nghe mà không đem ra thực hành. Chúa Giêsu dạy: “Vậy phàm ai nghe các lời này của Ta và thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… và phàm ai nghe các lời này của Ta mà không thi hành, thì ví được như người dại xây nhà trên cát.” (Mt 7, 24. 26). Mạnh mẽ hơn, Chúa Giêsu còn khẳng định: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời.” (Mt 7, 21)
Thái độ khôn ngoan.
Khôn ngoan là một ân ban Thiên Chúa trao tặng cho con người để họ biết cách sống theo đường lối của Ngài. Người khôn ngoan là biết sống theo sự hướng dẫn của Đấng Tối Cao (GLCG # 2500).
Năm cô trinh nữ khôn ngoan mang theo bình dầu, họ có chuẩn bị cho trường hợp chàng rể đến muộn. Họ luôn sẵn sàng chờ đón chàng rể đến. Chàng rể là hình ảnh Chúa Giêsu đến trần gian. Người đến nhiều lần với chúng ta trong cuộc đời và đến trong ngày sau hết của từng người. (x. 2 Tim 4,6; 2Pr 1,14).
Khôn ngoan là một ơn ban quý báu của Chúa. Nó giúp con người biết cách sống thế nào cho phải, biết tìm kiếm những gì đáng tìm, và biết học hỏi suy nghĩ những gì đáng học hỏi. Ơn khôn ngoan quý báu ấy, Chúa sẵn sàng ban cho những ai thao thức kiếm tìm. Bài đọc I mời gọi chúng ta hãy khao khát yêu chuộng đức khôn ngoan. Thức khuya dậy sớm tìm kiếm, suy niệm đức khôn ngoan thì sẽ được chiêm ngưỡng, gặp gỡ đức khôn ngoan, sẽ được minh mẫn toàn hảo, được đức khôn ngoan niềm nở xuất hiện và sẽ hết mọi nhọc nhằn, trút hết mọi lo âu. (Kn 6, 12-16).
Cuộc đời kitô hữu khác nào như một cuộc nghinh đón chàng rể và chàng rể đây chính là Đức Kitô, vị thẩm phán. Tin Mừng nói chàng rể sẽ “đến chậm”, nghĩa là đến vào lúc người ta không ngờ. Rồi khi chàng rể đến, chàng sẽ “đóng cửa lại”. Ý nghĩa thiêng liêng của câu nói là: người ta chỉ chết một lần, không có cơ hội làm lại cuộc đời nếu đã không có sự chuẩn bị, như năm cô trinh nữ khôn ngoan.
Sự khôn ngoan của các cô trinh nữ là luôn tỉnh thức, tay cầm đèn cháy sáng trong tay và mang theo dầu dự trữ. Ngày xưa, dân Chúa chuẩn bị vượt qua Biển Đỏ cũng có thái độ như thế. Có thể hiểu “đèn cháy sáng” là luôn sống dưới ánh sáng hướng dẫn của Chúa và “dầu dự trữ” là những việc lành phúc đức như “của gởi về đời sau”.
Văn sĩ E. Hemingway có viết một quyển tiểu thuyết, nhan đề “ngư ông và biển cả”, kể lại cuộc vật lộn uổng công của lão ngư phủ người Cuba tên là Xăngtiagô với biển khơi. Ông câu được một con cá kình, nhưng vì cá quá to, ông đành phải cột cá bên mạn thuyền để kéo vào bờ. Buồn thay, trên đường về, lũ cá mập đã đánh ra hơi và xúm vào rỉa thịt. Khi về tới bến, con cá to chỉ còn là bộ xương mà thôi.
Không thể nào trình diện Chúa với hai bàn tay trắng.
Thái độ khờ khạo.
Lễ cưới theo nghi thức Tây phương, cô dâu đóng vai trò quan trọng với nghi thức rước dâu. Khi cô dâu xuất hiện, mọi người đều hướng mắt về cô dâu lộng lẫy trong trang phục lễ cưới tiến lên bàn thờ với đoàn rước và tiếng nhạc hoan ca. Chú rể chỉ đứng chờ đợi sẵn trên cung thánh đón tiếp cô dâu.
Trong nghi thức đám cưới Do thái, chú rể là người quan trọng. Mọi người phải chờ đợi và đón chú rể. Nếu lễ cưới vào ban đêm, chú rể phải đi tới nhà cô dâu để thương lượng với người cha hay anh em của cô dâu về quà cáp, của hồi môn…vào lúc mặt trời lặn. Thời đó chưa có đồng hồ, nên không thể định rõ giờ giấc để đón rước chàng rể từ nhà cô dâu về nhà chú rể được. Hơn nữa, theo phong tục, chú rể thường cố ý trì hoãn và kéo dài cuộc thương lượng để cô dâu và những nàng phù dâu phải chờ đợi trong hồi hộp và ngạc nhiên. Vì suốt ngày tiệc tùng, dạ vũ, nên chờ đợi đến khuya thường mệt mỏi và buồn ngủ. Mười cô trinh nữ được mời tham dự có bổn phận phải chuẩn bị sẵn sàng đèn đuốc để thắp sáng đường đi rước chú rể, cô dâu và khách đến tiệc cưới. Đây là một vinh dự rất đặc biệt cho các cô trinh nữ được mời.
Các cô dại không hề chuẩn bị gì cho trường hợp đó. Theo tập tục cưới hỏi của người Do Thái, chú rể sẽ đến nhà cha cô dâu để đón cô về nhà mình. Những cô trinh nữ phù dâu có nhiệm vụ cầm đèn cùng với cô dâu đón chú rể, làm thành một đám rước cô dâu về nhà chú rể, và ở đó, một tiệc cưới linh đình sẽ được tổ chức. Một khi đã nhận nhiệm vụ, các cô trinh nữ đó có nhiệm vụ phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó của mình.
Năm cô khờ dại chưa chuẩn bị sẵn sàng, không mang theo đủ dầu cần thiết, khi chú rể đến họ hết dầu. Các cô trinh nữ khờ dại, vì sự thiếu chuẩn bị đúng đắn của mình, đã bị loại khỏi niềm vui của tiệc cưới và không thể làm gì để thay đổi thực tế bi đát đó được nữa.
Giống như các cô trinh nữ khôn ngoan, các cô trinh nữ khờ dại cũng được mời gọi đi đón chàng rể rồi vào dự tiệc cưới. Các cô biết chàng rể chắc chắn sẽ đến. Các cô cũng tha thiết mong chờ chàng rể đến. Điều các cô thiếu là một sự chuẩn bị sãn sàng và đầy đủ những thực tại cần thiết để có thể thực hiện được lời mời gọi và nhiệm vụ dàng cho các cô và nhờ đó được thỏa lòng mong ước của mình. Các cô mang đèn nhưng không mang dầu theo. Sai lầm của các cô không phải ở chỗ các cô không hướng lòng về biến cố chàng rể đến, mà là ở chỗ các cô đã không có sự chuẩn bị phù hợp cho biến cố đó. Được mời gọi làm thành viên của đoàn đón chàng rể thôi, chưa đủ. Biết rằng chàng rể sẽ đến vào một lúc nào đó thôi, chưa đủ. Còn phải có sự chuẩn bị thích hợp nữa.
Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng.
Cuộc đời và thế giới này rồi sẽ chấm dứt. Chúa sẽ đến ngày kết thúc đời người và dẫn vào dự tiệc Nước Trời. Mỗi người đều có đèn trong tay. Quan trọng là mình có chuẩn bị để ngọn đèn ấy cháy sáng vào lúc chung cuộc không. Quá muộn nếu đến lúc ấy chúng ta mới vội vã đi mua dầu.
Thiên Chúa muốn đưa con người vào tiệc cưới Nước Trời. Con người cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể làm thay cho mình được.
Giờ phút long trọng và quyết định, đó là lúc chàng rể xuất hiện, lúc ấy mỗi người chuẩn bị đèn cháy sáng của mình. Đến lúc này mới thấy là ai khôn và ai dại, ngọn đèn của các cô khôn ngoan vẫn còn cháy sáng còn ngọn đèn của các cô khờ dại đã tắt từ lâu. Vào phút giây long trọng ấy, không ai có thể giúp mình được. Các cô khờ dại không thể xin dầu của ai được. Người khôn ngoan biết xác định cùng đích cuộc đời của mình và chuẩn bị những gì cần thiết để đạt được cùng đích đó. Người khờ dại không biết phải chuẩn bị những gì.
Ai cũng phải đối diện với ngày cuối cùng cuộc đời là giờ chết, phút giây ấy không ai giúp ai. Mỗi người theo sự khôn ngoan hay khờ dại đón nhận số phận chung cuộc.
Người ta cứ tự hỏi: Bao giờ chàng rể đến? Bình dầu thì cứ vơi dần! Màn đêm buông xuống, đôi mắt cũng nặng trĩu theo! Chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi căng thẳng!
Biết rằng đèn cháy sáng thì dầu cạn dần. Tình yêu chờ đợi mãi cũng mòn mỏi. Lời kinh có khi cũng phôi pha. Cây đàn có lúc cũng quên mất nốt nhạc. Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương chính là Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được trao ban chính mình Người làm của ăn, để chúng ta tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt ra là: “Nếu bạn chỉ còn một ngày cuối cùng để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy:
* 57% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 42% các ông được hỏi cho biết họ cũng muốn sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 32% các ông các bà đều muốn được sống với gia đình mình trong những giờ phúc cuối đời.
* chỉ có 12% các bà và 26% các ông thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè trong ngày cuối cùng của cuộc sống.
Thưa anh chị em, những con số trên đây có lẽ không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, xuyên qua kết quả của cuộc thăm dò này, chúng ta cũng có thể đọc được một tâm trạng chung của con người khi đứng trước cái chết; đó là nỗi sợ cô đơn. Cái chết là một cuộc ra đi đơn độc, một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân yêu của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt cho chúng ta trong giờ phút này, chúng ta sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết:
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: “Nếu ngay bây giờ chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?”. Một số em bé trả lời: “Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện”. Một số em khác cho biết: “Con sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành…”. Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con có chết, thì giờ này con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Đó là câu trả lời của thánh trẻ Luy Gonzaga. Và câu trả lời đó đã làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bổn phận trong lúc này, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày: giờ nào việc nấy.
Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng phút giây… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ thân tình này. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại sẽ không phải sợ hãi trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Vì thế, thưa anh chị em, qua câu chuyện dụ ngôn 10 cô phù dâu đi đón chàng rể trong Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Vì ngày giờ Chúa đến sẽ bất ngờ, không được báo trước. Dụ ngôn cho thấy có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Có nhiều người bị trách là “khôn nhà dại chợ”. “Khôn” những chuyện vặt vãnh mà lại “khờ” những chuyện trọng đại. “Khôn” những chuyện nhất thời hôm nay để rồi “dại” những chuyện ngàn đời mai sau. Có lẽ 5 cô khờ dại này đến giờ chót mới khôn ra (khôn đột xuất) và chạy đi mua “khôn”thì không kịp nữa rồi! Vì thế, chúng ta phải biết khôn ngay đi! Tin Mừng hôm nay đã cảnh giác chúng ta tỏ tường rồi đấy!
Bài học về sự khôn ngoan đã được Chúa Giêsu nói đến trong ví dụ về người khôn xây nhà trên nền đá (Mt 7, 24). Đó là người “nghe và thi hành Lời Chúa”. Khôn là chuẩn bị sống ngày hôm nay không gì khác hơn là “nghe và thi hành Lời Chúa”. Trung thành sống điều này là ta đã xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc để có thể đứng vững trong đêm tối âm u hay trong mưa sa bão táp. Ngược lại, không thi hành Lời Chúa, ta sẽ bị coi là kẻ khờ dại, vì đã xây nhà đời mình trên nền cát…
Năm cô khờ dại đã uổng công đi đón và mòn mỏi đợi chờ để rồi cứ phải ở bên ngoài phòng tiệc cưới. Vì thế, nghe và thi hành Lời Chúa là một thái độ sống khôn ngoan để dù thức hay ngủ, ta vẫn ở trong tư thế sẵn sàng. Việc Chúa đến sẽ không còn là chuyện bất ngờ nữa mà là một cuộc hẹn hò gặp gỡ đầy ý nghĩa đã được chờ đợi.
Đừng chậm trễ nữa, thưa anh em chị em, vì cửa Nước Trời chỉ mở ra cho những người hôm nay sẵn sàng dự tiệc, cho những người hôm nay mang canh cánh bên lòng nỗi ưu tư thi hành ý muốn của Chúa, chứ không dành cho những kẻ chỉ biết nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” ngoài môi miệng, để rồi phải nghe trả lời: “Ta không biết các ngươi!” câu trả lời này cũng là lời phán quyết của Thẩm Phán tối cao trong ngày phát xét cuối cùng.
Anh chị em thân mến, hôm nay vẫn còn thời giờ để chúng ta “khôn”, vẫn còn thời giờ để chúng ta đổ đầy dầu vào bình mà mang theo, vẫn còn thời giờ để xây dựng đời mình trên nền tảng thực thi Lời Chúa và Chàng Rể cũng đang đến loan báo niềm vui hội ngộ. Hãy sẵn sàng ra đón, để cùng Tân Lang vào dự tiệc Nước Trời hưởng niềm vui vô tận.
Đối với những ai đã sẵn sàng, đèn Tin-Yêu thắp sáng trong tay, họ sẽ được sung sướng gặp mặt Chúa: Thánh nữ Têrêxa Avila mấp máy nói lên với Chúa trước khi tắt thở: “Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”. Trong khi chị Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng âu yếm thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, đôi mắt xuất thần nhìn thẳng vào một điểm trên pho tượng Đức Mẹ, nét mặt tươi tắn, rồi nhắm mắt lại, ra đi nhẹ nhàng. Đồng hồ chỉ 7 giờ 20 phút, tối ngày 30 tháng 9 năm 1897.
Hai người trinh nữ khôn ngoan đã cầm đèn thắp sáng Tin Yêu ra đón Chúa và đã được gặp gỡ “Người Tình Lang” muôn thuở của mình.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa đến,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng…
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nóng cháy
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Có thể bạn quan tâm
VPTGM-GPHT: Thông báo Lễ cầu nguyện cho các Đấng bậc và Ân nhân..
Th10
Halloween và Lễ Các Thánh
Th10
ĐTC Phan-xi-cô gửi điện chia buồn về sự ra đi của Đức Hồng..
Th10
Tháng Các Đẳng Linh Hồn Và Những Ước Nguyện
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B
Th10
Ủy Ban Phụng Tự Giải Thích Về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu..
Th10
Suy Niệm Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (2/11) –..
Th10
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm..
Th10
Bảo vệ Trẻ vị thành niên: Báo cáo đầu tiên kêu gọi phản..
Th10
Đức Cha François Pallu: Chứng Nhân Của Tình Yêu
Th10
Suy Niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ (1/11) – Mọi Người Được Mời..
Th10
Chút tâm tình cuối tháng Mân Côi
Th10
ĐTC Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân..
Th10
Hội Thánh Dạy “Nên Thánh” Cách Nào?
Th10
Giới Thiệu Cử Điệu, Bài Ca Chủ Đề Đại Hội Giới Trẻ Giáo..
Th10
Thượng Hội Đồng: Đức Phanxicô Đưa Giáo Hội Vào Thiên Niên Kỷ Thứ..
Th10
Buổi Họp Báo Về Thượng Hội Đồng: Tài Liệu Cuối Cùng Của Thượng..
Th10
Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn: Người Việt Nam đang chờ đợi..
Th10
Tấn phong Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh
Th10
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ – lễ kính
Th10